Vị Hoàng giáp chết oan được 72 nơi tôn làm Phúc thần
Đến nay, đã 553 năm kể từ khi Nguyễn Phục bị hình oan nhưng công lao của ông đã được ghi khắc cả trong chính sử lẫn trong huyền tích dân gian.
Không đành lòng để của cải nhà nông bị nhấn chìm dưới sóng lớn, càng không thể đem người vô tội làm mồi cho cá nên Hoàng giáp Nguyễn Phục phải chịu tội chết.
Thế nhưng cái chết của Nguyễn Phục đã làm sáng tỏ lòng trung của một bậc quân tử nho học. Cái chết ấy không chỉ làm cho vua bừng tỉnh, mà còn khiến người đương thời và hậu thế mãi kính thờ tôn phục.
Thà chết không để mất quân lương
Nguyễn Phục (còn được gọi là Phục Công) hiệu là Tùng Giang tiên sinh, người ở thôn Đông, xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho gia, khoa bảng.
Tương truyền thủa nhỏ, Nguyễn Phục rất ham học, lại có tư chất thông minh hơn người nên sớm nổi danh khắp vùng. Đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa 11 (năm 1453), Nguyễn Phục tham gia ứng thí và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Quý Dậu khi vừa tròn 20 tuổi.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Phục được vua Lê phong chức Chưởng viện Hàn lâm kiêm Vương phó (thầy dạy học cho các vương tử). Vốn thông minh, tài đối đáp, ông được vua Lê Thánh Tông đi sứ nhà Minh đến 3 lần.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Tháng 9 ngày 21 năm 1460, sai bồi thần là Đinh Lan, Nguyễn Phục, Nguyễn Đức Tù sang nước Minh tâu việc”. Do có công lao trong việc đi sứ, giữ gìn thể diện quốc gia, ông được vua Lê Thánh Tông khen ngợi ban thưởng bạc lạng, đồng thời được cử làm Thừa tuyên tham nghị Thanh Hóa.
Năm 1463, tại kỳ thi Điện, ông được cử làm giám thí. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Bấy giờ ứng cử đến hơn 4.400 người, lấy đỗ 44 người. Ngày 16, thi Điện các Tiến sĩ. Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự là Nguyễn Lỗi, Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Niệm làm Đề điệu, Nguyễn Phục làm giám thí, Nguyễn Như Đổ, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Bá Kỳ làm Độc quyển. Vua thân ra đầu đề văn sách hỏi về trị đạo của các đế vương”.
Khi làm quan cho nhà Lê, ông dốc lòng vì công việc, dù ở cương vị Đô lý tự thanh tra xét các vụ kiện, Vương phó, tham nghị binh chính hay Quan ty cẩm y vệ. Năm 1470, ông theo Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, được cử giữ chức Phi vận tướng quân đốc thúc binh lương.
Khi thuyền lương đến cửa Lạch Trào (Thanh Hóa) gặp bão, ông bèn lệnh chèo thuyền nhập cảng, các tòng quân đều can rằng: “Quân pháp rất nghiêm, chớ nên trái lệnh”.
Ông không nghe, đáp rằng: “Thà để một mình tôi chịu tội trái lệnh, còn hơn là để cho quân lính vô tội và số lương có hạn kia chết chôn trong bụng cá”.
Vì để bảo toàn quân lương nên thuyền lương đến điểm hẹn bị trễ so với thời gian quy định, vua giận sai bắt giam Nguyễn Phục. Bọn cung nhân và cận thần gièm pha với vua xin giết đi.
Đến lúc vua hiểu ra, truyền chỉ tha tội thì ông đã bị chém. Về sau biết ông bị oan, vua Lê vô cùng thương tiếc, phong tặng bốn chữ: Minh, Đạo, Hiển, Ứng và phong làm Phúc thần.
Huyền tích Nguyễn Phục linh ứng
Sách “Thần tích Việt Nam” ghi: “Sau khi chiến thắng giặc Chiêm Thành trở về ngang cửa Thần Phù, gặp sóng to, gió lớn, biển động dữ dội khiến cho đoàn thuyền của nhà vua không thể qua được. Đêm đó nhà vua thao thức, tai nghe gió gào, sóng dậy, trằn trọc không sao ngủ được.
Vua sực nhớ đoàn thuyền lương trễ hạn cũng là do sóng lớn gây ra. Trong lòng hối hận thương quan đốc lương bị thác oan... trong lúc mơ màng, vua thấy ông nhung trang chỉnh tề đứng trước giường ngự tâu rằng: “Kẻ hạ thần cảm ơn tri ngộ của bệ hạ nên dẫu thác linh hồn vẫn theo ra chiến trận, nay nhờ hồng phúc quốc gia, bệ hạ dẹp xong Chiêm hầu, hạ thần lại xin hộ giá khải hoàn”.
Vua Lê chợt tỉnh, vừng đông đã hửng sáng, trông ra biển lặng sóng êm. Đại quân vượt biển trở về yên ổn, vua Lê Thánh Tông truy phong quan đốc lương Nguyễn Phục tước “Đại vương biển Đông Hải”, lại hạ chiếu truyền cho thiên hạ, địa phương nơi nào ngày trước có nhà cửa của Phụ Công tại các làng xóm, thì cho dân rước sắc về lập đình thờ”.
Sau khi mất, Nguyễn Phục được nhân dân ở nhiều địa phương tưởng nhớ và lập miếu thờ. Thần tích và sự hiển linh của ông cũng được ghi chép trong “Ô Châu cận lục” như sau: Từ đó thường linh ứng.
Dân địa phương dựng đền thờ cúng… Lúc mới mất, người con đi đến tận nơi, tìm hài cốt đem về, có đàn voi rừng khoảng trăm con, đi hộ tống trước sau. Mọi người nhìn nhau thất sắc. Nhưng voi không hề có ý hại ai.
Lại có một người cùng quê, thuở trẻ từng đi xa học, khi trưởng thành được bổ làm quan huyện tại đây. Khi đi ngang qua đền, dâng cúng một bình rượu nhỏ, khấn rằng: “Tôi vốn là người quen cũ, xin ngài chứng cho chút lễ mọn”. Lúc đó bên sông nổi lên một con cá vược, bèn bắt lấy để tế. Quan bản huyện là tri huyện họ Phạm đã làm văn bia để ghi chép lại việc thực này.
Khoảng năm Cảnh Thống, có hai vị đại tướng vâng mệnh đi đánh Chiêm Thành, ngang qua đền thờ trú lại. Đêm mộng thấy tiên sinh đến, ân cần đem chuyện con gửi gắm cho. Đến khi đại tướng ban sư trở về kinh, ít lâu đến kỳ thi Tiến sĩ, được cử làm đề điệu. Con tiên sinh quả nhiên thi đỗ. Đại tướng nghiệm việc ngày trước, bất giác thán phục, liền gọi người con đến gặp, hậu đãi và bảo cho biết việc ngày trước là như vậy.
Người con làm quan ở Hóa Châu, chính tích không tốt. Tiên sinh báo mộng cho rằng: “Hãy trở về nhà, chớ ta không nỡ để mày chết tại đây”. Đầu xuân năm sau, về đến nhà thì chết. Ngoài ra việc linh dị rất nhiều không thể kể hết”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người con của Nguyễn Phục chính là Tiến sĩ Nguyễn Đạm. Ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514), làm quan Thừa chính sứ.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Quý Mùi cũng ghi nhận điều này. Trong 20 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Đạm đứng thứ 18 trên Lê Thời Bật và Trịnh Bá.
Thương dân, dân lập đền thờ
Để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Phục, người dân các vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đình Định và một số nơi xin rước sắc, lập đền thờ tôn ông làm Thành hoàng, đời đời phụng sự. Hiện nay, theo thống kê có tới 72 nơi tôn thờ ông trong đó có các làng như Phú Xá, Xuân Phương (Quảng Xương - Thanh Hóa), làng Đặng Xá (Hà Nam), làng Thọ Am (Thanh Trì - Hà Nội)…
Ngay tại Hội An (Quảng Nam), có ít nhất 4 di tích thờ Nguyễn Phục, như: Tân Hiệp, Thanh Hà, Sơn Phong, Cẩm Phô. Trong “Quảng Nam tỉnh tạp biên” do Viện Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương thực hiện vào đầu thế kỷ 20, ghi chép về các đạo sắc phong từ thời vua Gia Long, Minh Mạng cho đến Khải Định có một bản sao sắc phong thần Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục cùng một số vị thần khác tại làng Sơn Phong vào năm Khải Định thứ 9 (1924).
Tại Quảng Nam và các tỉnh ven biển Trung bộ, tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục là một dạng thức tín ngưỡng khá phổ biến. Qua các nguồn sử liệu, các di tích tín ngưỡng cho thấy tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục có vai trò, vị thế quan trọng. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại, tín ngưỡng thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục vẫn còn được lưu giữ, kế thừa.
Tại quê hương Nguyễn Phục, thôn Đông (Thanh Miện – Hải Dương) cũng dựng đình tôn thờ ông làm Thành hoàng cùng với Bảng nhãn Đỗ Uông. Theo tư liệu, ngôi đình cổ được khởi dựng vào thời hậu Lê, chia làm hai phần - khu vực thiêu hương, giếng nước và khu đình chính. Do thiên tai tàn phá, một số công trình bị hư hại nên phần nào đã làm thay đổi kiểu dáng ngôi đình.
Làng Phương Bằng (Gia Lộc) cũng dựng đình tôn ông làm Thành hoàng bởi nơi đây từng là mảnh đất gắn bó mật thiết với Nguyễn Phục khi ông dựng nhà dạy học tại đây. Thôn Phương Bằng xưa có tên là Hoa Bằng, tương truyền do Thành hoàng làng Nguyễn Phục lập ra từ thời Lê sơ. Thôn Phương Bằng và thôn Đông của huyện Thanh Miện có mối quan hệ chặt chẽ vì chung Thành hoàng làng.
Có thể thấy, trong các nhà khoa bảng của thời kỳ phong kiến Việt Nam, khó có ai được nhiều làng tôn thờ như Nguyễn Phục. Là một công thần tiết nghĩa, dám đem tính mạng mình để đổi lấy sự bảo toàn của tính mạng binh lính cũng như của cải của nông dân - đủ thấy lòng trung và chí hướng vì dân mà làm quan mà Nguyễn Phục theo đuổi.
Đến nay, đã 553 năm kể từ khi Nguyễn Phục bị hình oan nhưng công lao của ông đã được ghi khắc cả trong chính sử lẫn trong huyền tích dân gian. Tấm gương Nguyễn Phục trong lòng dân không chỉ là một thanh quan, mà còn là một nhà khoa bảng hóa thần linh – được triều Lê sơ cũng như các triều đại về sau sắc phong, như một sự ghi công không bao giờ được quên, cả hôm nay và mãi về sau này.
Tương truyền, Hoàng giáp Nguyễn Phục còn là thủy tổ của nghề chăn tằm. Nhiều làng quê ven các con sông lớn như sông Đáy, sông Nhuệ của Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) có nghề tằm tơ, canh cửi phát triển cũng tôn vinh Nguyễn Phục làm Thành hoàng của làng.
Hiện nay, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đang lưu 1 bản “Đông Hải Đại vương sự tích” viết về sự tích, duệ hiệu được sắc phong cùng các bài văn tế lễ trong năm thờ phụng Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục.