Vị Hoàng giáp 'thà làm ma nhà Lê, quyết không làm quan nhà Mạc'

Sau khi chiếm ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung cho người tìm ép vời Hoàng giáp Nguyễn Thái Bạt vào chầu để bổ dụng chức Đô ngự sử.

Phần mộ của Hoàng giáp Nguyễn Thái Bạt tại quê nhà Hải Dương.

Phần mộ của Hoàng giáp Nguyễn Thái Bạt tại quê nhà Hải Dương.

Biết không thể từ chối được mãi, ông giả vờ thong manh (mắt kém) để từ chối làm quan.

Dựng trường dạy học cho dân

Nguyễn Thái Bạt sinh ngày 10 tháng 1 năm Giáp Tý (1504), tại xã Bình Lãng, tổng Ngọc Trục, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương - nay là thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông sinh trưởng trong gia đình nho sĩ lâu đời (thân phụ Nguyễn Văn Hanh, thân mẫu Lê Thị Đạt).

Tương truyền khi bà Đạt sinh con, đã thấy cậu bé khôi ngô tuấn tú, thiên tư khác lạ mới đặt tên là Thái Bạt. Từ nhỏ Nguyễn Thái Bạt đã nổi tiếng là thần đồng, năm 1511 (7 tuổi), theo học Hoàng giáp Nguyễn Văn Vận kiêm đô võ sĩ.

Năm 1516 (13 tuổi), Nguyễn Thái Bạt đã tinh thông kinh sử. Vua mới lên ngôi ban truyền khắp thiên hạ: Người nào thông minh, tài trí, chính trực được dự thi Hương. Nguyễn Thái Bạt tham dự khoa thi Hương, đỗ Hương cống thứ 3 kỳ thi Hương ở trấn Hải Dương năm đó.

Vinh quy bái tổ xong xuôi, ông xin phép cha mẹ đi xem xét dân tình. Khi đến xã Lai Cách về sau đổi thành Phan Xá, huyện Phù Cừ, đạo Sơn Nam Thượng. Sau lại đổi thành phủ Khoái Châu thuộc thành Thăng Long, sau thuộc về Hưng Yên.

Thấy một khu đất có địa thế phong thủy đẹp, người dân nơi đây còn chất phác, hiền hậu nhưng học lực kém cỏi, ít kiến văn. Ngay trong hôm đó, Nguyễn Thái Bạt đã truyền cho dân dựng nhà học, và ông là người trực tiếp dạy văn học cho dân.

 Năm 1520, Nguyễn Thái Bạt đỗ Đình nguyên Hoàng giáp.

Năm 1520, Nguyễn Thái Bạt đỗ Đình nguyên Hoàng giáp.

Vài năm sau người dân đã biết chữ, kiến thức văn học cũng nâng lên, trở thành một vùng đất có lễ nghĩa. Trước sau, Nguyễn Thái Bạt đã dạy học 4 năm tại Phan Xá. Thời gian này Nguyễn Thái Bạt vẫn tự miệt mài sôi kinh nấu sử, đón chờ thi Hội, thi Đình.

Năm 1520 (17 tuổi) đời vua Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5. Mùa Hạ, tháng 4, khi ấy vua ra chiếu truyền cho các văn thần ở các địa phương lên kinh thành để dự thi Hội, thi Đình. Đầu bài Văn sách vua ra hỏi về: Chính sách trọng dụng nhân tài, Nguyễn Thái Bạt ứng đáp, vua cho đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Thái Bạt làm quan Hiệu lý ở Viện Hàn lâm.

Cuộc đời của Tiến sĩ Nguyễn Thái Bạt gắn liền với triều đại nhà Lê, đặc biệt là hậu Lê sơ. Sinh ra phải thời loạn lạc, các thế lực phong kiến cuối Lê sơ tranh giành nhau quyền lực, thao túng lộng quyền. Vua còn trẻ lại ham mê rượu chè, tửu sắc, bỏ bê triều chính, không chăm lo cho đời sống nhân dân, các cuộc đấu tranh vì quyền lực nổ ra khắp nơi, khiến dân chúng khổ cực lầm than.

Lúc này quyền thế của Mạc Đăng Dung rất lớn, kiểm soát toàn bộ triều đình, gây dựng phe cánh gồm thông gia Phạm Gia Mô làm Thượng thư bộ Lễ, em rể là Quỳnh khê hầu Vũ Hộ làm Hữu đô đốc trấn thủ Sơn Tây; ngoài ra còn có các Thượng thư Trình Chí Sâm và Nguyễn Thì Ung ngả theo. Mạc Đăng Dung lại tiến vua một mỹ nhân, giả danh là con gái, vào làm cung tần để dò la tin tức, lại sai em là Mạc Quyết giữ đạo binh Túc vệ, con trai Đăng Doanh giữ điện Kim Quang.

Mạc Đăng Dung đi bộ thì lọng phượng dát vàng, đi thủy thì thuyền rồng dây kéo, ra vào cung cấm không kiêng sợ gì. Ông giết thị vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh Sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm Cử vốn là những người trung thành với Lê Chiêu Tông. Trước sự lớn mạnh của thế lực Mạc Đăng Dung, vua và các cựu thần nhà Lê không bằng lòng, nhưng bất lực.

 Nguyễn Thái Bạt được mô tả là người thông minh, đỗ đạt từ rất sớm.

Nguyễn Thái Bạt được mô tả là người thông minh, đỗ đạt từ rất sớm.

Giả mù để khỏi làm quan

Ngày 27/7/1522, vua Lê Chiêu Tông rời kinh thành chạy sang Sơn Tây hiệu triệu bốn phương hỏi tội Mạc Đăng Dung.Đăng Dung lập em vua là Xuân lên ngôi. Một nước có hai vua, vuaLê Chiêu Tông ở Thanh Hóa đại diện cho lực lượng cựu thần nhà Lê doTrịnh Tuy cầm đầu và Lê Cung Hoàng ngự tại dinh Bồ Đề, mọi việc do Mạc Đăng Dung sắp xếp và đối phó. Sau khi đàn áp một số lực lượng nổi dậy, thế lực Mạc Đăng Dung vô cùng mạnh mẽ, kiểm soát và làm chủ vùng Kinh Bắc, quan lại và quân dân đến quy phục ngày một đông.

Lúc này Nguyễn Thái Bạt cùng thầy dạy là Nguyễn Văn Vận hộ giá phò vua về Thanh Hóa. Đăng Dung đánh chiếm Thanh Hóa bắt vua Lê, sai đồ đảng là Phạm Kim Bảng bí mật giết Chiêu Tông ở chỗ bị giam lỏng.

Tháng 4 năm1527,Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích. Tháng 6 năm1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi.

Trong tình thế không thể cứu vãn, nhiều đại thần nhà Lê đã tử tiết tỏ lòng trung. Đàm Thận Huy gửi thư cho gia đình rằng: “Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: Phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thỏa vậy”.

Đàm Thận Huy cùng với những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xăm, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Phu nhân ông là Nghiêm Thị Hiệu (em gái bạn đồng khoa là Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, người làng Quan Độ, ngay cạnh làng Me) và hai người con gái út của ông cũng tuẫn tiết ở vùng Yên Thế Thượng, Bắc Giang.

Sử gia Lê Quý Đôn chép: “Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô”. Sau thời khắc chiếm ngôi ngày 15/6/1527, Mạc Đăng Dung biết giành được ngai vàng đã khó, thu phục được nhân tâm còn khó hơn nên ra sức trưng dụng, vỗ về, thậm chí mua chuộc, ép buộc rất nhiều quan lại của nhà Lê tiếp tục làm việc.

Lúc này Nguyễn Thái Bạt trở về quê Bình Lãng (Hải Dương), rồi lại đến trang Phan Xá dạy học. Mạc Đăng Dung cho hạ thần dò tìm Nguyễn Thái Bạt, ép vời vào cung để bổ dụng chức Đô ngự sử. Biết không thể từ chối được mãi, ông giả vờ thong manh (mắt kém) để từ chối làm quan.

 Mạc Đăng Dung sau khi tiếm ngôi nhà Lê, đã ép Nguyễn Thái Bạt về làm quan nhưng bị ông cự tuyệt bằng cách thong manh (giả mù).

Mạc Đăng Dung sau khi tiếm ngôi nhà Lê, đã ép Nguyễn Thái Bạt về làm quan nhưng bị ông cự tuyệt bằng cách thong manh (giả mù).

 Nguyễn Thái Bạt cùng thầy dạy là Nguyễn Văn Vận từng hộ giá phò vua Chiêu Tông về Thanh Hóa. Ảnh minh họa: ITN

Nguyễn Thái Bạt cùng thầy dạy là Nguyễn Văn Vận từng hộ giá phò vua Chiêu Tông về Thanh Hóa. Ảnh minh họa: ITN

Tử tiết giữ lòng trung với nhà Lê

Mạc Đăng Dung cho thảo tờ chiếu giả, cướp ngôi nhà Lê, các quan đến chúc mừng. Thầy dạy của Nguyễn Thái Bạt là võ sĩ Nguyễn Văn Vận vốn giữ chức Đô ngự sử từ ngoài tiến đến trước ngai vàng, cầm cái hốt đánh thẳng vào mặt Mạc Đăng Dung nhưng tránh được. Túc vệ phía sau điện vội xông ra bắt Nguyễn Văn Vận lôi tuột đi.

Lễ bộ Thượng thư Lê Tuấn Mậu tiến vào, khi tới gần Mạc Đăng Dung đã ném hòn đá giấu sẵn trong tay áo, nhưng viên đá sượt qua mặt Đăng Dung và chỉ làm xây xước nhẹ. Túc vệ vội chạy ra lôi Lê Tuấn Mậu đi.

Đến lượt Nguyễn Thái Bạt, túc vệ khám xét kỹ lưỡng thấy không có vật gì khả nghi mới dám cho vào. Với tư tưởng trung thần không thờ hai vua, Nguyễn Thái Bạt giả vờ mắt kém, đi loạng choạng để được đến gần rồi thản nhiên chỉ vào mặt Mạc Đăng Dung mắng lớn: “Mày là đồ bất trung, nghịch tặc”, và tuyên bố: “Ta thà làm ma nhà Lê chứ không thèm làm quan ngụy Mạc”. Chưa hết, ông còn nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung, rồi đập đầu vào thềm điện mà tử tiết. Mạc Đăng Dung hốt hoảng vội ra lệnh bãi chầu.

Trong sách“Khâm định Việt sử thông giám cương mục”tuy có sự khác biệt về ngày tháng nhưng cũng chép về cái chết của ông: “Bấy giờ Hàn lâm hiệu lý Nguyễn Thái Bạt bị Đăng Dung cưỡng ép vời đến, ông giả vờ thanh manh/thong manh, được đến gần, nhân đó ông nhổ vào mặt Đăng Dung và mắng chửi ầm ĩ (…) bị Đăng Dung giết chết”.

Năm 1572, sau khi Nguyễn Thái Bạt mất 45 năm, vua Lê Anh Tông sắc chuẩn bản thần tích: Thái Bạt linh ứng Đại vương cho thôn Phan Xá, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên thờ phụng, bài vị thờ tại đình làng Phan Xá còn dòng chữ: Lê triều Bảng nhãn, Hàn lâm Thị thư Nguyễn Công húy Thái Bạt lịch phong Trung liệt Đại vương Đương cảnh Phúc thần. Câu đối còn ghi: Phù Lê cừu Mạc thanh danh hiển hách tráng sơn hà/ Thỏa diện can trung nghĩa khí anh hùng lưu vạn cổ.

Có thể thấy bài vị này là do hậu thế suy tôn lên, còn Nguyễn Thái Bạt không đỗ Bảng nhãn mà chỉ đỗ Hoàng giáp- tức là Tiến sĩ xuất thân, bậc Tiến sĩ hạng 2 sau bậcTiến sĩ cập đệ(Tiến sĩ cập đệ còn gọi là tam khôi gồm 3 vị trí cao nhất: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

Vào năm 1666, sau khi Nguyễn Thái Bạt mất 139 năm nhà Lê được trung hưng, nhà Mạc diệt vong tại Cao Bằng, vua Lê Huyền Tông đã sắc phong ban thưởng tuyên dương công trạng, cho 13 người bầy tôi tử tiết. Nguyễn Thái Bạt được vua cho xây dựng Đền Tiết Nghĩa tại thôn Bình Phiên, gia tặng Dực bảo trung hưng Tiết Nghĩa phúc thần, với thụy Cương Trực. Các đời vua sau đều có sắc phong cho Nguyễn Thái Bạt tại ngôi đền này.

Vua Tự Đức thời Nguyễn trong tập“Ngự chế Việt sử tổng vịnh”từng có thơ ca tụng Nguyễn Thái Bạt là người khí tiết, thà chịu chết chứ không chịu nhục. Thơ rằng: “Thử nhật sơn hà bất nhẫn kham/ Dã cam mông cổ độc tâm quan/ Nhất triều thóa diện kham ô nhĩ/ Phi thị Lâu gia khả tự càn” (Ngày ấy non sông chẳng nỡ nhìn/ Cam làm mù lóa tấc lòng yên/ Một mai nhổ mặt làm ô kẻ…/ Đâu phải Lâu gia tự giữ gìn).

Hài cốt của Hoàng giáp Nguyễn Thái Bạt cùng phu nhân Chu Thị… yên nghỉ tại thôn Tứ Kỳ Thượng. Sau mấy trăm năm thờ cúng, phần lăng mộ được hậu duệ tiến hành xây dựng lại vào năm 2009. Lễ cúng tế được tổ chức vào 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Khí tiết và cái chết của Hoàng giáp Nguyễn Thái Bạt không chỉ là gương sáng thời phong kiến, mà còn được đánh giá là tấm gương soi muôn đời cho hậu thế về lòng son sắt vì nước vì dân, tấm lòng kiên trung không sợ cường quyền, không sợ cái chết. Sự kiên trung và nghĩa khí của Nguyễn Thái Bạt đã làm thành một giai thoại bất khuất, đáng được tôn vinh, nhắc lại cho thế hệ mai sau noi gương học tập.

Sách “Lê triều khiếu vinh thi tập” chép rằng: “Nguyễn Thái Bạt người xã Bình Lãng, huyện Cẩm Giàng đỗ Tiến sĩ triều vua Lê Quang Thiệu (1520), làm quan ở Hàn lâm viện. Khi họ Mạc đoạt ngôi vua Lê Chiêu Tông, Thái Bạt mượn cớ có tật mắt mù, không chịu khuất phục theo Mạc, nhưng Mạc Đăng Dung vẫn ép ông vào triều kiến; ông xin được ngồi đối diện tiếp kiến. Nhân đó thóa mạ mắng nhiếc vào mặt Đăng Dung, liền bị hãm hại”.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-hoang-giap-tha-lam-ma-nha-le-quyet-khong-lam-quan-nha-mac-post698681.html