Vị học giả với trí tuệ uyên bác, sức làm việc phi thường
Dẫu biết ngày đó rồi sẽ đến, nhưng khi nghe tin Thầy ra đi, tôi vẫn lặng người, bâng khuâng, buồn.
Mà không biết có phải “điềm báo” hay không, nhưng tháng trước vì nhớ Thầy, tôi đã viết trên Facebook cá nhân một trạng thái “Năm 2020 - Thầy của mình tròn 95 tuổi”, kèm theo bức ảnh chụp nhiều cuốn sách của Thầy mà tôi đang có. Kết thúc trạng thái, tôi viết: “Tiếng là học trò của Thầy, nhưng đọc các cuốn sách Thầy đã xuất bản thì xem ra so với Thầy, trình độ của mình chỉ bằng cái móng tay. Nhưng dù chỉ bằng cái móng tay, mình vẫn rất tự hào vì đã được Thầy chỉ bảo nhiều điều”. Và lúc này nhớ về Thầy, tôi càng thấm thía điều Thầy đã dặn tôi mấy chục năm trước: “Anh có thể biết rất nhiều, nhưng chưa hiểu nhiều đâu, cố gắng mà hiểu”. Vâng, Thầy của tôi là PGS Phan Ngọc.
Mấy chục năm nay ở Việt Nam, nhắc đến PGS Phan Ngọc, mọi người thường nghĩ đến một người giỏi ngoại ngữ. Điều đó không sai, song nếu chỉ như vậy sẽ khó khát quát được những gì đã làm nên tên tuổi của ông. Vì PGS Phan Ngọc không chỉ sử dụng ngoại ngữ như công cụ môi giới văn hóa, mà đã vượt lên, đạt tới trình độ có thể sử dụng ngoại ngữ để trực tiếp khảo sát văn hóa các dân tộc, các khoa học xã hội mũi nhọn đang phát triển trên thế giới. Đọc tác phẩm sẽ thấy ông không đơn thuần là một dịch giả, mà trí tuệ của ông là sự phối kết kinh ngạc giữa Triết học, Ngôn ngữ học, Hán học, Mỹ học, với Văn hóa học, Dân tộc học, Lý luận Văn học, Phong cách học... Hiểu biết của ông trong các lĩnh vực này luôn nhất quán với phương châm “cách vật, trí tri” (biết đến tận cùng sự vật, biết đến tận cùng sự biết), đồng thời ông yêu cầu bản thân phải thức nhận về đối tượng và phương pháp làm việc. Từ đó, ông nghiên cứu văn hóa với phương thức tiếp cận liên ngành, đa ngành, các tri thức địa lý - văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ, nhân chủng,... được vận dụng một cách hệ thống, phù hợp và hiệu quả, trong sự kết hợp uyển chuyển, linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý trí và trái tim mỹ cảm, giữa quan điểm khoa học và phẩm cách một nhà Nho.
Tác giả Nguyễn Hòa (bìa phải) cùng gia đình
trong một dịp đi Tết thầy- PGS Phan Ngọc.
Với sức làm việc phi thường, PGS Phan Ngọc thực hành nghiên cứu trong phạm vi rất rộng, có chủ kiến riêng, không hời hợt. Và từ đó, với văn hóa Việt Nam, ông có các công trình như Bản sắc văn hóa Việt Nam, Một cách tiếp cận văn hóa, Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp... Bằng phong cách học, ông nghiên cứu Truyện Kiều, và qua Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, ông tìm ra cống hiến nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du “trước đó không ai làm được và sau đó khó có ai làm được”. Ông viết các công trình Cách lựa chọn của sáu nền văn hóa (Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, Đông Nam Á, Pháp), Đạo giáo ở Trung Quốc và ảnh hưởng ở Việt Nam. Cùng Phạm Đức Dương, ông đã xuất bản Tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á; cùng Lê Ngọc Cầu ông viết Nội dung xã hội và mỹ học tuồng Đồ. Rồi nữa, ông đã xuất bản Đỗ Phủ - nhà thơ dân đen, Thi thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ, Đạo đức kinh dễ hiểu, Hình thái học của nghệ thuật (M. Kagan), Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc (B.L. Riftin)...
“Vị học giả, nhà bách khoa cuối cùng của một thế hệ”, tôi mạo muội nhận xét như vậy về ông và tôi tin, mình không nói quá lời về người Thầy đáng kính. Điều đó khiến tôi nhớ một nhà phê bình văn học viết rằng công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của ông “tồn tại như một thách thức”. Nhớ về Thầy, tôi nhớ tiếng cười sảng khoái của ông mỗi khi có điều thú vị. Tôi nghĩ, tiếng cười ấy đã cùng Thầy vượt mọi trắc trở cuộc đời để thực hiện tâm nguyện: “Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân nước tôi”. Và khi viết những dòng này, tôi hằng mong ở “nơi yên tĩnh đời đời”, Thầy sẽ thanh thản mỉm cười, vì nếu có thể trước khi đi xa, Thầy thấy tâm nguyện vẫn còn dang dở, thì chỉ những cuốn sách Thầy để lại cho đời cũng đã đủ để hậu thế kính trọng!