Ví không để đựng tiền, ngồi nhà thanh toán hóa đơn
Không chỉ từ phía doanh nghiệp, người dân cũng đã bắt đầu thích ứng với thời chuyển đổi số, từ đi chợ, gửi tiết kiệm, cho đến thanh toán hóa đơn, học tập.
Thay đổi thói quen tiêu dùng và thanh toán
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chị Mai Thị Hà (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bỏ hẳn thói quen đi siêu thị hàng ngày. Chỉ cần lướt web, chị có thể mua mọi thứ phục vụ sinh hoạt của gia đình. Ví của chị giờ gần như để rất ít tiền mặt, thay vào đó là thẻ ngân hàng, thẻ tích điểm.
“Họ đăng bán từ mớ rau con cá, cân thịt, không thiếu thứ gì. Tôi chỉ việc gọi điện, sau đó họ sẽ đến giao tận cửa căn hộ kèm theo hóa đơn. Họ sẽ bấm chuông rồi treo đồ ở cửa, sau khi họ quay đi tôi mới mở cửa mang hàng vào nhà. Tôi cũng không phải trả bằng tiền mặt mà chuyển khoản, rất nhanh và tiện. Như vậy, gia đình tôi có đủ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày mà vẫn hạn chế tiếp xúc với người lạ, không phải đến những chỗ đông đúc để mua đồ”, chị Hà cầm điện thoại hào hứng kể về cách đi chợ mới.
Hàng trăm nghìn bà nội trợ giờ đây cũng như chị Hà, mua bán online, thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là những cách đi chợ mà 5 năm trước vẫn còn khá ít người sử dụng.
Là lãnh đạo một chuỗi siêu thị lớn, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, dù sự chuẩn bị cho việc thanh toán chưa được chuẩn bị ở mức tốt nhất khi dịch bệnh bùng nổ, nhưng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh chóng, lên con số 40%. “Nếu chuẩn bị tốt hơn các điều kiện kỹ thuật thì tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt còn cao hơn nữa”, ông Đức nói.
Ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc Phát triển kinh doanh mảng chấp nhận thanh toán của Visa Việt Nam, chia sẻ kết quả khảo sát của đơn vị này. Theo đó, 3 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều người thử lần đầu gồm ví điện tử (44%), thẻ trực tuyến (38%), thẻ không tiếp xúc (37%). Tỷ lệ khách sử dụng tiền mặt năm nay giảm 6% so với năm ngoái.
Song song với việc giảm tiền mặt thì có sự tăng trưởng của hai hình thức thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc và ví điện tử. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, nhất là trong đại dịch.
Sự đón nhận của người dùng với thanh toán không tiền mặt đã tốt hơn nhiều. 84% người dùng cho biết sẽ hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và tăng thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới.
“Nhiều khách hàng kì vọng một xã hội không tiền mặt ở Việt Nam trong vòng 5-9 năm tới. Đây là dấu hiệu tích cực từ người tiêu dùng. Họ có niềm tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể tiến tới xã hội không tiền mặt, và chúng ta có thể tiến tới mục tiêu này nhanh hơn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại”, đại diện Visa Việt Nam chia sẻ thêm.
Chia sẻ một kết quả khảo sát khác, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Napas, cho hay: Đại dịch mở ra cơ hội bùng nổ cho thị trường thanh toán điện tử, thay đổi hành vi người tiêu dùng từ thanh toán offline sang thanh toán online. Trước đại dịch, người dân dành 3,1 giờ/ngày để sử dụng Internet. Nhưng khi đại dịch diễn ra, con số này đã tăng lên 4,2 giờ. 85% người đang sử dụng ứng dụng thương mại điện tử ít nhất 1 lần/tuần. 44% người bắt đầu mua sắm trên mạng xã hội kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Những trải nghiệm mới
Không chỉ mua sắm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, người dân cũng đang thay đổi các phương thức thanh toán tiền điện hay cước điện thoại.
Mở ứng dụng của ngân hàng, ông Nguyễn Quang Nam (Đống Đa, Hà Nội) bấm vào dòng chữ “Thanh toán hóa đơn tiền điện”. Chỉ thao tác hơn 10 giây với mã khách hàng được lưu sẵn từ các lần thanh toán trước, ông Nam đã hoàn thành việc thanh toán tiền điện.
Bản thân ngành điện cũng đang tái cấu trúc theo xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), “số hóa công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng” là một trong những việc được EVN chú trọng.
Năm 2019, EVN đã triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, theo đó, toàn bộ hồ sơ giao dịch dịch vụ điện được sử dụng dưới dạng hồ sơ điện tử, ứng dụng chữ ký điện tử.
Tính riêng 11 tháng trong năm 2021, các tổng công ty điện lực đã tiếp nhận trên 13,9 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó, số yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng chỉ chiếm tỷ lệ 0,34%; còn lại 12,57 triệu yêu cầu được tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công, tương ứng 99,66%.
EVN đang nghiên cứu kết nối, tích hợp hệ thống quản lý khách hàng của Tập đoàn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong việc cung cấp các dịch vụ điện. Các khách hàng sử dụng điện khi làm các thủ tục về dịch vụ điện sẽ được kiểm tra và tự động chứng thực điện tử các giấy tờ về dân cư như: Giấy chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú...
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, việc chuyển đổi số cũng là xu hướng tất yếu. Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện Tomeco, chia sẻ: “Để chuyển đổi số, việc xây dựng “con người chuyển đổi số” là yếu tố tiên quyết và cũng khó khăn, nan giải nhất. Tiếp theo là giải pháp bảo mật khi toàn bộ quy trình, vận hành được số hóa, đưa lên lưu trữ đám mây. Thứ ba là vấn nạn bản quyền. Chúng tôi phải xây dựng tầm nhìn dài hạn, sau đó thực hiện theo từng giai đoạn”.
Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như người dân, đặc biệt là chuyển đổi số nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.
Những câu chuyện kể trên cho thấy chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của Việt Nam, là nền tảng quan trọng để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tất nhiên, không tránh khỏi những lực cản nhưng không ai có thể đứng ngoài xu thế chung này. Bởi lẽ, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chuyển đổi số thì những nơi đi sau lại có thể đi trước, vì thế mà chuyển đổi số có thể giúp thay đổi vị thế, thứ hạng”.