Vi khuẩn lao dễ xâm nhập qua mắt

Từ trong chất dịch mà bệnh nhân ho khạc làm bắn ra, vi khuẩn lao có thể đi vào mắt người lành dễ dàng như một hạt bụi, gây bệnh ở nhiều tổ chức mắt như da mi, củng mạc, màng bồ đào...

Năm 1889, tức 7 năm sau khi Robert Koch công bố tìm thấy thủ phạm gây ra bệnh lao, Haab đã tìm thấy vi khuẩn này từ những tổn thương ở mắt. Năm 1937, Guenod phát hiện tổn thương lao ở các phần cấu tạo của mắt mà nhiều nhất là ở màng bồ đào của bệnh nhân lao kê. Tuy lao mắt được xếp vào loại lao ít gặp, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, căn bệnh này phổ biến hơn người ta tưởng.

Tổn thương lao có thể xuất hiện ở bất kỳ phần cấu tạo nào của mắt.
Đầu tiên phải nói đến lao sơ nhiễm. Đây là bệnh gây ra do sự xâm nhập vào cơ thể lần đầu của vi khuẩn lao qua con đường niêm mạc mắt. Tổn thương thường ở mặt trong mi trên hoặc mi dưới, vùng cùng đồ. Người bệnh có bệnh cảnh của viêm kết mạc: mắt sưng, cộm, chảy nước mắt, ra dử nhiều. Khám thấy kết mạc xung huyết, có những nốt màu vàng hoặc loét. Hạch vùng trước tai cùng bên sưng to. Đó là phức hợp sơ nhiễm ở mắt.

Các tổn thương lao khác:

Lao da mi : Đây là các hình thái của lao da ở mi mắt. Thông thường tổn thương cơ bản thuộc loại: nốt, sần sùi, có vảy hoặc loét... Tiến triển của bệnh dài ngày gây sẹo, co kéo làm hở mi, lộn mi và lan vào trong nhãn cầu.

Lao kết mạc, củng mạc : Người bệnh có triệu chứng đau nhức, cộm mắt, chảy nước mắt, khám thấy các đám sung huyết, nốt nhỏ màu vàng hoặc loét. Các ổ loét dính với nhau thành những ổ loét lớn hơn, bờ ổ loét nham nhở có mủ hoặc giả mạc xung quanh, có nhiều mạch máu tân tạo.

Lao giác mạc : Thường chỉ một bên mắt bị bệnh. Mắt bị bệnh đau nhức, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, giảm thị lực. Khám thấy giác mạc bị thẩm lậu, cương tụ, có các nốt nhỏ màu vàng hoặc loét; có các mạch máu bò vào.

Lao màng bồ đào : Màng bồ đào được chia thành hai phần: mống mắt thể mi ở phía trước, hắc mạc ở phía sau. Nếu lao mống mắt thể mi, người bệnh có dấu hiệu đau nhức mắt, đau tăng lên khi ấn vào mắt, giảm thị lực. Soi thấy ở mống mắt thể mi có các nốt màu vàng hoặc xám và loét. Bệnh lâu ngày gây sẹo co kéo, dính làm cho đồng tử méo mó và mất phản xạ co giãn khi rọi ánh sáng... Có thể phát hiện u lao mắt ở góc tiền phòng.

Lao võng mạc : Tùy theo vị trí và mức độ tổn thương mà người bệnh có các triệu chứng: giảm thị lực, thu hẹp thị trường, nhìn thấy những vết đen hay nhìn mờ như qua một màn sương.

Lao màng nhện và giao thoa thị giác : Là một trong những dấu hiệu của lao màng não. Người bệnh giảm thị lực, không nhìn thấy ở một phía (bán manh), nhìn thấy hố đen ở giữa thị trường hoặc mù hoàn toàn. Soi đáy mắt thấy gai thị phù hay teo vào các nốt lao...

Viêm mủ toàn mắt cấp tính : Đây là một áp-xe do lao hủy hoại toàn bộ nhãn cầu. Người bệnh đau nhức mắt, mất dần khả năng nhìn. Khám thấy toàn nhãn cầu có màu trắng đục. Nếu áp-xe vỡ, phần hố mắt sẽ loét, đỏ, chảy nước vàng, đáy hố có mủ hay giả mạc.

Tổn thương lao mắt rất đa dạng. Cần rất cẩn thận phân biệt với những bệnh viêm mắt khác hoặc nghĩ đến lao mắt nếu điều trị đúng cách mà không khỏi.

BS Bình Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-khuan-lao-de-xam-nhap-qua-mat-169240617101404485.htm