Vì một mùa lễ hội bình yên, an toàn
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm là mùa lễ hội mang đậm đà sắc xuân, diễn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Để nhân dân, du khách vui xuân an toàn, công tác đảm bảo ANTT mùa lễ hội năm 2023 đã được lực lượng Công an, cơ quan quản lý Nhà nước và Ban quản lý các di tích triển khai đồng bộ, không để các hoạt động bói toán, mê tính dị đoan ảnh hưởng đến phong tục, văn hóa.
Siết chặt ANTT tại các lễ hội
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa. Sau dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các địa phương đều tổ chức lễ hội vui xuân, thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Để đảm bảo cho du khách đến du xuân được an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục, tập quán, các địa phương đã chỉ đạo Ban quản lý các di tích thực hiện nhiều biện pháp thiết thực trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng mùa lễ hội để tổ chức các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm…
Cứ dịp đầu xuân, tại các di tích lịch sử - văn hóa ở Thanh Hóa như: Na Sơn Động Phủ ở huyện Như Thanh; đền Nưa - Am Tiên ở huyện Triệu Sơn; đền thờ Cầm Bá Thước ở Cửa Đạt, huyện Thường Xuân; đền Sòng Sơn ở TX. Bỉm Sơn; đền Độc Cước ở TP. Sầm Sơn... thu hút hàng vạn du khách thập phương đến trẩy hội du xuân và tham quan vãn cảnh. Do vậy, công tác bảo đảm ANTT, trật tự ATGT, trật tự công cộng đã được cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và Ban quản lý các khu di tích triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt.
Đền thờ Cầm Bá Thước nằm bên dòng sông Chu, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) là nơi thờ thủ lĩnh Cầm Bá Thước, người đã có công tập hợp lực lượng, cùng nhân dân trong vùng anh dũng chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp năm xưa.
Theo ông Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa: Ngày xưa, căn cứ của Cầm Bá Thước liên kết với nhiều cuộc khởi nghĩa khác của dân tộc ta như cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân ở Nghệ Tĩnh. Sau này, Pháp phải dồn toàn lực mới tiêu diệt được căn cứ của nghĩa quân Cầm Bá Thước. Mỗi độ xuân về, ngôi đền này lại thu hút đông đảo du khách tới du xuân, vãn cảnh, dâng hương...
Thượng tá Lương Xuân Hoàn - Phó Trưởng Công an huyện Thường Xuân, cho biết: Để bảo đảm tốt ANTT và trật tự ATGT tại khu vực diễn ra lễ hội, ngay từ ngày mùng 1 Tết, Công an huyện đã huy động 100% CBCS Đội Cảnh sát giao thông, trật tự và Công an xã Vạn Xuân, Công an thị trấn Thường Xuân tổ chức cắm chốt, phân luồng, bảo đảm giao thông thông suốt, không để xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý khu di tích đền thờ Cầm Bá Thước thường xuyên tuần tra, nhắc nhở du khách cần chú ý cảnh giác, bảo vệ tài sản cá nhân. Riêng Công an huyện đã chủ động đấu tranh mạnh với các đối tượng lợi dụng hoạt động lễ hội đông người để trộm cắp, móc túi, hành nghề mê tín dị đoan... Qua tuần tra, Công an huyện đã phát hiện, bắt quả tang hai đối tượng Lê Thị Lai (SN 1960) và chồng là Ngô Văn Bình (SN 1960) ở huyện Vĩnh Lộc đang thực hiện hành vi móc túi, trộm cắp tài sản của du khách tham quan tại khu di tích.
Dẹp bỏ các hoạt động mê tín dị đoan
Tại huyện Như Thanh, dịp Tết hàng năm có đến các lễ hội truyền thống được tổ chức: lễ hội Phủ Na, lễ hội Đền Mẫu Phủ Sung; lễ hội đền Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc; lễ hội Sết Boóc Mạy (người Thái) làng Mó I, xã Cán Khê; lễ hội Cơm mới (người Mường) thôn Bái Đa I, xã Phượng Nghi; lễ hội đền Bạch Y Công Chúa, xã Phú Nhuận.
Để các lễ hội được diễn ra an toàn, từ trước Tết Nguyên đán, huyện Như Thanh đã có văn bản chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động lễ hội đúng quy định, phối hợp với Công an huyện dẹp bỏ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: lên đồng, xóc thẻ, gọi hồn sấm trạng; các trò chơi mang hình thức đánh bạc; giải quyết dứt điểm người ăn xin, ăn mày, giữ gìn văn minh nơi công cộng, đảm bảo các hoạt động văn hóa và lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm...
Tại di tích phủ Na, đây là nơi thu hút số lượng người dân và du khách đông nhất của huyện Như Thanh, UBND xã Xuân Du, Ban quản lý di tích phối hợp với các đơn vị liên tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền ngăn chặn các hành vi biến tướng như mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình; bố trí hợp lý để người dân, du khách xin nước tại khu vực đền Chín Giếng được an toàn.
Trả lời báo chí, ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh, cho biết: Với sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương, ban quản lý di tích, ban tổ chức các lễ hội, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tất cả các hành vi “biến tướng” tại các di tích, lễ hội trên địa bàn huyện đã được dẹp bỏ. Việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý lễ hội đã góp phần phát huy các giá trị của các di tích, danh thắng, lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Như Thanh, xây dựng các điểm đến văn minh, thân thiện với nhân dân và du khách thập phương,
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, các địa phương trong mùa lễ hội đầu xuân năm 2023, nhìn chung ANTT đã được đảm bảo, các trò chơi có dấu hiệu cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan đã được Ban quản lý các di tích, danh thắng, các địa phương kiên quyết dẹp bỏ... Theo đánh giá sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Thanh Hóa, các hoạt động tham quan, tín ngưỡng, vui xuân tại các lễ hội, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức đúng quy định, không để xảy ra những hiện tượng, vụ việc biến tướng, tiêu cực, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/vi-mot-mua-le-hoi-binh-yen-an-toan-i682817/