Vị 'ngọt' cà na
Cơ duyên từ Cuộc thi 'Ý tưởng phụ nữ (PN) khởi nghiệp' của Hội Liên hiệp (LH) PN huyện Đức Huệ, chị Ngô Thị Mỹ Hương (39 tuổi, ngụ khu phố 4, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) tận dụng nguyên liệu có nhiều ở địa phương, trổ tài làm rượu cà na. Sau cuộc thi, chị tiếp tục cải tiến sản phẩm và xây dựng, phát triển thương hiệu mang tên Rượu Hương Cana.
Trái cà na gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ ở quê hương Đức Huệ, nhất là thế hệ “8X” như chị Hương. Vị chua, chát của cà na lại là vị “ngọt” của những đứa trẻ còn nhiều khó khăn ở vùng quê vì không cần tốn tiền cũng có món ăn vặt với nhiều cách chế biến khác nhau như cà na chấm muối, cà na ngào đường, cà na ngâm,... Mùa nước nổi, những đứa trẻ chỉ cần rủ nhau ra cặp bờ sông là hái được từng nhánh cà na mang về nhà trong sự phấn khởi. Khi điều kiện sống của những đứa trẻ vùng quê ngày càng tốt hơn, có nhiều lựa chọn về các món ăn vặt hàng ngày, vị đắng, chát của cà na dần bị lãng quên.
“Khi cà na không còn phổ biến nữa, nhiều lúc tôi nhớ về vị “ngọt” của tuổi thơ, tìm kiếm chỗ bán để mua bịch cà na về nhà ăn” - chị Hương trải lòng.
Sau này, cà na bắt đầu “rộ” trở lại với đa dạng cách chế biến ra các món ăn khác nhau. Đặc biệt, nhiều thế hệ trước muốn tìm về hương vị tuổi thơ. Nhu cầu cà na lớn hơn, người dân huyện Đức Huệ bắt đầu trồng cây cà na để thu hoạch trái bán, tuy nhiên, giá thấp, đầu ra còn rất bấp bênh.
Từ yêu thích hương vị tuổi thơ và mong muốn được phát triển sản phẩm để đóng góp cho quê hương, chị Hương làm rượu cà na trong Cuộc thi “Ý tưởng PN khởi nghiệp”. Sản phẩm của chị được đánh giá cao bởi sự độc đáo, vị ngọt từ rượu và vị “ngọt” trong ký ức nhiều người. Từ đó, chị quyết khởi nghiệp với sản phẩm này.
Cà na mua về, tiến hành sơ chế và ngâm với đường trong khoảng thời gian phù hợp, chị thu được thành phẩm rượu dành cho nữ uống. Sau đó, chị tiếp tục ngâm cà na đó với rượu đế và cho thành phẩm rượu dành cho nam uống. Trong quá trình sản xuất, chị Hương không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm tỷ lệ cà na, đường, rượu đế, thời gian ngâm,... để cho ra loại rượu cà na ngon nhất có thể. Dù nữ uống hay nam uống thì rượu cà na của chị Hương cũng có vị ngọt hòa quyện hương vị đặc trưng của cà na, thành công chinh phục nhiều người dù lần đầu thưởng thức.
Chị Hương chia sẻ: “Nhờ đặc tính của trái cà na giúp người uống rượu cà na không bị quá mệt sau khi uống say. Rượu có vị ngọt từ nhẹ đến đậm nên có thể đáp ứng “gu” của nhiều người. Ngoài ra, rượu cà na chưa phổ biến nên đặc biệt hơn, thu hút sự tò mò thưởng thức của mọi người. Khi thưởng thức xong, nhiều người cảm thấy phù hợp, yêu thích nên tiếp tục lựa chọn nó trong các bữa tiệc của mình”.
Bên cạnh tìm tòi, nghiên cứu để hương vị rượu cà na ngày càng ngon và phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng, chị Hương còn tập trung đầu tư bao bì để có được sản phẩm đẹp mắt, chất lượng đưa ra thị trường.
Khi sản xuất rượu cà na, mục đích của chị Hương là giúp người dân địa phương giải quyết đầu ra cho trái cà na cũng như giới thiệu và phát huy giá trị nguyên liệu sẵn có của quê hương. Trong tương lai gần, chị mong muốn phát triển hơn sản phẩm để tạo việc làm cho người dân địa phương.
Vị đắng, chát của cà na dần mang lại vị “ngọt” cho chị Hương khi thương hiệu Rượu Hương Cana được nhiều người biết đến, giúp gia đình chị tăng thu nhập./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vi-ngot-ca-na-a169327.html