Vị ngọt mùa hoa nhãn Mường Lò
Mỗi độ đầu hè, khi những vườn hoa nhãn Mường Lò bung nở trắng xóa, cũng là lúc mùa mật ngọt bắt đầu ở vùng đất lòng chảo Nghĩa Lộ. Tận dụng điều kiện khí hậu thuận lợi và hệ sinh thái đa dạng, người dân nơi đây đã gắn bó với nghề nuôi ong mật như một nét văn hóa lao động đặc trưng. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, nghề nuôi ong còn kết nối con người với thiên nhiên, làm nên hương vị đặc sản mang đậm dấu ấn núi rừng Tây Bắc.

Nghề nuội ong lấy mật đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình.
Hành trình men theo Quốc lộ 32, vượt qua những cung đường đèo uốn lượn và Đèo Ách hùng vĩ năm nào, chúng tôi đặt chân đến lòng chảo Mường Lò – Nghĩa Lộ vào một sáng đầu hè. Cả vùng đất như thức dây trong bản hòa âm râm ran của tiếng ve, trong sắc trắng nga bát ngát của những vườn hoa nhãn đang độ nở rộ. Mùi hương hoa nhãn dịu nhẹ hòa quyện cùng làn gió đầu mùa làm lòng người chợt thấy khoan thai, dễ chịu lạ thường.
Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu á nhiệt đới pha ôn đới, ít bị gió mùa Đông Bắc chi phối, lại có nắng nhiều, mưa ít – một điều kiện lý tưởng để phát triển cây ăn quả, trong đó có nhãn. Và cũng chính vào thời điểm hoa nhãn nở rộ ấy, những "người bạn” cần mẫn của thiên nhiên - những đàn ong bắt đầu mùa mật ngọt.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, một người gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi ong ở thôn 3, xã Nghĩa Lộ, chia sẻ với tôi như một người tri kỷ của loài ong: "Năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa nhãn nở nhiều, mật cũng được mùa. Mỗi mùa hoa nhãn đến là cả gia đình tôi lại vào vụ, thu hoạch mật rộn ràng như ngày hội”.
Ở xã Nghĩa Lộ, ong mật bản địa vẫn là lựa chọn ưu tiên của người dân. Giống ong này hiền lành, dễ nuôi, thích nghi tốt với khí hậu vùng núi và đặc biệt có thể lấy mật từ cả những loài hoa rừng hoang dã. Nhưng hoa nhãn vẫn là loài hoa chủ lực, với mùa nở kéo dài, nguồn mật dồi dào và chất lượng cao, giúp ong sau một mùa đông khan hiếm mật lại khỏe mạnh, sung sức.
Anh Dũng chia sẻ thêm: "Nuôi ong không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và yêu nghề thực sự. Thu hoạch mật là công đoạn khó nhất. Phải chọn đúng cầu ong, canh đúng độ đặc của mật, rồi cẩn thận cắt ‘nắp vít’. Việc này thường do nam giới đảm nhận vì cần sức dẻo dai, bền bỉ và bình tĩnh”.

Thời điểm này, hoa nhãn nở rộ tại xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.
Mỗi cầu ong có thể cho thu đến 1 lít mật. Trung bình mỗi đàn có 4-5 cầu, nên chỉ tính riêng mùa hoa nhãn, có hộ thu được gần nghìn lít mật. Nhưng điều đáng quý không chỉ là sản lượng, mà chính là hương vị: mật ong hoa nhãn ngọt thanh, sánh mịn, vàng óng như ánh nắng đầu hè, mang theo tinh hoa của trời đất Mường Lò. Hiện nay, giá mật ong nuôi tại xã Nghĩa Lộ có giá bán dao động từ 260 nghìn đến trên 300 nghìn đồng/lít, đem lại nguồn thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng cho một hộ gia đình nuôi khoảng 100 đàn ong mật.
Chị Nguyễn Thị Tỵ - một hộ nuôi ong khác ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Hiện nay, người dân không đơn lẻ sản xuất nữa mà đã liên kết, hợp tác với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng vùng ong. Cũng từ đó, các HTX và hộ nuôi ong từ Văn Chấn, Trấn Yên cũng mang đàn ong đến đặt dưới vườn nhãn Mường Lò, tạo nên một ‘cuộc di cư mật ngọt’ rất đặc biệt. Nhờ hiểu rõ quy trình chăm sóc và di chuyển ong, đàn ong nhanh chóng thích nghi, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng mật”.
Ông Trần Văn Ly - Giám đốc HTX Nuôi ong Vân Hội (Trấn Yên) chia sẻ thêm: "Chúng tôi xem ong là nghệ nhân. Ong chọn từng bông hoa, chắt chiu từng giọt mật để tạo nên tinh túy của núi rừng. Còn người nuôi ong cũng là những người nghệ nhân luôn bền bỉ, tỉ mỉ, sáng tạo để đem vị ngọt từ thiên nhiên đến với mọi người. Vì thế, mỗi thành viên trong HTX luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chăm nuôi, vận chuyển, thu hoạch và xuất bán các sản phẩm từ ong”.
Mỗi mùa hoa nhãn nở rộ là một cơ hội để người nuôi ong nâng cao thu nhập, nhất là khi giá mật ong ổn định và được thị trường ưa chuộng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cộng thêm kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, nghề nuôi ong ở Nghĩa Lộ không chỉ góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp gắn với đặc sản vùng miền.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/349767/vi-ngot-mua-hoa-nhan-muong-lo.aspx