'Mật ngọt' vùng cao

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, huyện Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ mà còn là vùng đất có điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái rừng phong phú và nguồn hoa tự nhiên dồi dào, người dân nơi đây đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, biến nghề nuôi ong thành hướng phát triển kinh tế mới theo hướng xanh và bền vững.

Người dân Mù Cang Chải nuôi ong dưới tán cây Sơn Tra.

Người dân Mù Cang Chải nuôi ong dưới tán cây Sơn Tra.

Mù Cang Chải được thiên nhiên ưu ái với hệ thực vật đa dạng, đặc biệt là các loài hoa như: thảo quả, sơn tra, đào, mận, blong song (còn gọi là cây hoa chân chim, trong y học gọi là cây ngũ gia bì)… tạo nguồn phấn hoa tự nhiên, phong phú cho đàn ong. Đặc biệt, phương pháp nuôi ong gần như hoàn toàn tự nhiên, không dùng kháng sinh hay hóa chất, góp phần giữ được hương vị nguyên chất và an toàn cho người dùng.

Người dân nơi đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông từ lâu đã gắn bó với nghề nuôi ong theo phương thức truyền thống và gần gũi với tự nhiên. Cách làm này vừa gìn giữ nét văn hóa bản địa, vừa tạo nên hương vị riêng biệt cho sản phẩm mật ong vùng cao.

Anh Sùng A Khày ở xã Khao Mang cho biết: "Gia đình tôi hiện có khoảng 60 đõ ong, mỗi năm thu hoạch ba đợt, sản lượng khoảng 700 kg mật ong, thu về hơn 80 triệu đồng. Nghề nuôi ong nhẹ nhàng, không tốn kém, nhưng quan trọng là phải giữ rừng tốt thì ong mới nhiều, mật mới thơm”.

Anh Khày cũng như nhiều hộ dân khác cho rằng, nghề nuôi ong không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ rừng - môi trường sống của ong và là nguồn sống của người dân.

Nhận thấy tiềm năng của nghề nuôi ong, những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ giống ong, kỹ thuật nuôi, chăm sóc và thu hoạch mật cho người dân. Các lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên, kết hợp mô hình trình diễn để bà con dễ tiếp cận và áp dụng. Nhờ đó, nhiều hộ đã chuyển từ nuôi ong tự phát sang nuôi có định hướng, nâng cao năng suất và chất lượng mật. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 6.500 đàn ong, sản lượng mật trung bình 65 - 80 tấn/năm, được nuôi theo hình thức bán tự nhiên hoặc tự nhiên hoàn toàn, tập trung tại các xã: Khao Mang, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình…

Cùng với phát triển nghề, người dân Mù Cang Chải cũng bắt đầu quan tâm đến giá trị gia tăng từ sản phẩm ong. Ngoài mật ong nguyên chất, một số hộ còn khai thác thêm sáp ong, phấn hoa, chế biến rượu ngâm sáp ong… tạo ra các sản phẩm đa dạng, thủ công, mang đậm hương vị núi rừng, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi ong.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - một khách hàng tại Hà Nội chia sẻ: "Tôi thường xuyên đặt mua mật ong Mù Cang Chải vì hương vị rất đặc trưng, thơm nhẹ, ngọt thanh. Quan trọng nhất là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không pha tạp chất nên tôi rất yên tâm khi dùng cho cả gia đình. Từ khi biết đến mật ong Mù Cang Chải, tôi gần như không dùng loại nào khác nữa”.

Ghi nhận những nỗ lực của địa phương và người dân, sản phẩm mật ong Mù Cang Chải đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý bởi Cục Sở hữu trí tuệ - khẳng định chất lượng, đặc trưng và giá trị riêng có của sản phẩm gắn với điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra, mật ong Mù Cang Chải cũng đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh - một bước tiến quan trọng để mở rộng sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và hướng tới thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Đáng chú ý, nghề nuôi ong ở Mù Cang Chải đang từng bước được kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm tham quan tổ ong, quay mật và thưởng thức mật ong tươi ngay tại rừng. Những trải nghiệm mộc mạc nhưng hấp dẫn này không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn góp phần quảng bá sản phẩm, văn hóa bản địa và nâng cao giá trị cho nông sản vùng cao.

Tuy nhiên, để nghề nuôi ong phát triển ổn định, bền vững, chính quyền địa phương cùng người dân cần tiếp tục đầu tư về khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn với du lịch cộng đồng. Quan trọng hơn cả là ý thức bảo vệ rừng - yếu tố sống còn để ong sinh trưởng và cho mật ngọt, phải trở thành nhận thức chung của cộng đồng. Khi rừng còn xanh, ong còn bay và mật còn ngọt, thì nghề nuôi ong ở Mù Cang Chải sẽ còn mãi là "mật ngọt” trong hành trình phát triển kinh tế của nông thôn nơi vùng cao.

Hồng Oanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/349730/mat-ngot-vung-cao.aspx