Vị ngọt thôn Muối
BẮC GIANG - Dưới chân núi Cao Vọng, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) có ngôi làng gần 100% người dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu, đây là một trong những thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện. Không chỉ đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, người dân thôn Muối còn luôn đề cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng lòng xây dựng đời sống mới. Có được thành quả ngọt ngào ấy, các thế hệ đồng bào nơi đây đã không ngừng nỗ lực vươn lên, biết bao giọt mồ hôi mặn mòi đã rơi xuống để tạo lập một làng quê kiểu mẫu trên miền đất vải.
Cộng đồng đoàn kết, xóm làng đổi thay
Tháng Ba, những vườn đồi bát ngát hoa vải ở Giáp Sơn là điểm hẹn lý tưởng để bầy ong xôn xao rủ nhau về kiếm mật, cũng báo hiệu một mùa quả ngọt bội thu sắp tới. Thôn Muối nổi bật ngay từ chiếc cổng làng vừa mộc mạc, vừa uy nghi giữa cánh đồng, công trình mang hồn cốt của vùng đồng bằng lẫn dáng dấp làng quê miền núi, chứa đựng trong đó là chiều sâu văn hóa, tình cảm của đồng bào Sán Dìu nơi đây. Bước qua cổng làng ấy là con đường bê tông rộng 7 m, dài hơn 1,5 km chạy thẳng tắp đến trung tâm thôn - nơi có những ngôi nhà tầng, nhà mái Nhật, mái Thái to đẹp, tạo thành bức họa sinh động về một miền quê bình yên, trù phú.

Một góc thôn Muối.
Trên cánh đồng làng, chúng tôi thấy không khí ngày mùa thật rộn rã, đồng bào tập trung chăm sóc vụ vải thiều đang độ cho hoa, đâu đó những làn điệu Soọng cô lúc trầm, khi bổng nghe sao sâu lắng, thiết tha đến thế. Dẫn chúng tôi tham quan thôn, chị Vi Thị Minh, cán bộ địa chính xây dựng xã Giáp Sơn giới thiệu: “Trong suốt hành trình phấn đấu về đích nông thôn mới (năm 2017) đến nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2020), phong trào xây dựng đường giao thông được xem là một trong những điểm sáng ở thôn Muối, đó cũng là nút thắt quan trọng đã được tháo gỡ để tạo đà cho kinh tế đi lên”, chị Minh nói thêm.
Khi đường giao thông được mở rộng, thương nhân vào tận vườn thu mua vải thiều mang đi tiêu thụ, từng đoàn xe tải tấp nập nối đuôi nhau về nhập hàng, người dân thôn Muối không còn vất vả thồ từng sọt vải ra tận trung tâm xã bán như trước. Từ ngôi làng miền núi với xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu dân tộc thiểu số, địa bàn cách xa trung tâm song đến nay thôn Muối có được hạ tầng giao thông khá hoàn thiện, cả đường trục chính lẫn tuyến nhánh ô tô có thể tránh nhau và được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng.
Thôn Muối có 388 hộ nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo, đây cũng là thôn có nhiều ô tô và nhà hai, ba tầng to đẹp nhất xã. Với 25 ô tô con, 7 xe tải và 2 máy xúc, bình quân thu nhập đầu người của thôn đạt trên 60 triệu đồng/năm (cao nhất xã).
Tiếp câu chuyện về thành tích làm đường, ông Trần Mạnh Hùng, trưởng thôn Muối cho hay, trước đây giao thông của thôn còn khó khăn, nhất là vào những ngày mưa, nông sản làm ra thường khó bán. Còn giờ đây, cả thôn không còn đường đất, toàn bộ hơn 30 km trục chính, đường nhánh, lẫn các lối lên vườn vải trên đỉnh núi đã được đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chăm sóc, tiêu thụ nông sản. Trong đó đường trục thôn rộng tối thiểu 3,5 m, ngõ xóm rộng tối thiểu 2,5 m và được bố trí các điểm để ô tô có thể tránh nhau.
“Để được như hôm nay, ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, người dân trong thôn chúng tôi đã đồng thuận cao và tự nguyện hiến gần 40 nghìn m2 đất, hàng chục hộ tự phá dỡ vành lao, cổng; bình quân mỗi hộ đóng góp 14 triệu đồng, hộ cao nhất đóng 40 triệu đồng, chưa kể ngày công lao động. Kết quả ấy như một minh chứng về sự đoàn kết đồng lòng, quyết tâm cao của người dân trong thôn”, ông Hùng nói.
Giữa vườn vải ngát hương, chúng tôi ngắm nhìn bức tranh quê nửa đồng, nửa núi ở thôn Muối với những gam màu tươi sáng. Không chỉ lợi thế về đất đai, thiên nhiên còn ban tặng cho nơi đây một hồ nước rộng chừng 30 ha. Đó là nguồn tưới cho sản xuất nông nghiệp của thôn và những vùng lân cận. Khái quát về tình hình kinh tế của thôn bằng những con số, ông Hùng nằm lòng từng chi tiết, cả thôn có 388 hộ nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo, đây cũng là thôn có nhiều ô tô và nhà hai, ba tầng to đẹp nhất xã.
Với 25 ô tô con, 7 xe tải và 2 máy xúc, bình quân thu nhập đầu người thôn đạt trên 60 triệu đồng/năm (cao nhất xã). Ngoài sản xuất vải thiều là chính, trong thôn có 1,8 nghìn đàn ong, 100 con hươu, 80 con trâu, một số hộ làm kinh doanh dịch vụ... Đời sống kinh tế đi lên là điểm tựa để người dân trong thôn đóng góp xây dựng quê hương, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.
Phát triển kinh tế song hành với bảo tồn văn hóa
Thôn Muối có diện tích 480 ha, trong đó hơn 300 ha dành để sản xuất vải thiều, chính loại cây ăn quả này đã giúp cuộc sống của đồng bào nơi đây ngày càng khởi sắc. “Nói về chất lượng vải thiều ở Lục Ngạn thì thôn Muối được xếp hàng đầu, toàn bộ các nhà vườn đã áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP nên sản phẩm luôn vượt trội và chủ yếu được xuất khẩu”, chị Vi Thị Minh chia sẻ thêm.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu thôn Muối hát đối đáp dân ca Soọng cô.
Người dân thôn Muối không ngừng học hỏi, tích cực tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, chuyển giao khoa học, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất như việc tỉa cành, tưới nước, sử dụng bón phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nên quả vải to, mã đẹp, cùi dày, hạt nhỏ, thơm ngon đặc biệt. Bởi thế quả vải thiều của thôn thường rộng đường xuất khẩu và chinh phục được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc... và mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với những vùng vải khác. Nếu như trước đây, thời gian tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn chỉ trong khoảng một tháng thì vài năm trở lại đây đã được kéo dài đến hơn hai tháng.
Bà con thôn Muối đã biết ghép các giống vải khác nhau như Thanh Hà, U hồng và vải thiều, nhờ vậy đã cho thu hoạch rải vụ từ tháng 5 đến hết tháng 7, đây là nỗ lực rất lớn nhằm tránh áp lực tiêu thụ mùa quả chín. Quả vải không chỉ được chắt lọc từ hương đất, hương trời mà còn kết tinh từ bao công sức vun trồng, chăm bón và chứa đựng tình cảm của bà con nơi đây. Từ trồng vải, nhiều hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, như hộ các ông: Chu Xuân Ba, Thăng Văn Báo, Chu Văn Đức, Trần Văn Bình...
Khát vọng vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương song đồng bào Sán Dìu tại đây cũng không quên bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Thôn đã thành lập Chi hội Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu với gần 50 thành viên tích cực tham gia gìn giữ làn điệu dân ca Soọng cô.
Tình yêu với Soọng cô vẫn lớn lên từng ngày trong mỗi con người, đồng bào đã dày công sưu tầm, biên chép và tự sáng tác nhiều bài ca để phổ biến, truyền dạy cho lớp trẻ, làm phong phú thêm cho kho tàng dân ca dân tộc mình. Trong đó có nhiều bài ca ngợi quê hương, đất nước; vận động Nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, xây dựng đời sống mới. Đó cũng chính là nguồn động viên tinh thần to lớn để mỗi người thêm trách nhiệm xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương, dân tộc.

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vải thiều tại thôn Muối (tháng 3/2025).
Sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của lãnh đạo thôn, cộng thêm tinh thần đoàn kết, sáng tạo vươn lên trong lao động của Nhân dân đã góp phần kiến tạo một thôn Muối kiểu mẫu. Trong lần đến kiểm tra tình hình sản xuất mới đây, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã lưu ý người dân thôn Muối cần tiếp tục duy trì, giữ vững thương hiệu, chất lượng vải thiều, đáp ứng điều kiện khắt khe từ các thị trường nhập khẩu. Đồng thời chú trọng hơn đến việc quy hoạch, gìn giữ cảnh quan, môi trường nông thôn, bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống các dân tộc nhằm hướng tới xây dựng điểm du lịch sinh thái, kết hợp cộng đồng.
Những gợi mở của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng là chính là ước mơ của Nhân dân thôn Muối bởi cảnh quan sinh thái vùng cây ăn quả kết hợp với văn hóa truyền thống là những điều kiện lý tưởng để thôn khai thác phát triển du lịch. Hằng năm, thôn đã đón hàng trăm đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Song để biến nơi đây thành điểm du lịch chuyên nghiệp là câu chuyện của tương lai và sẽ thành hiện thực nếu có sự quyết tâm của cả cộng đồng, sự tiếp sức từ cơ quan chức năng. Qua đó cũng để chứng minh rằng, xây dựng nông thôn mới là một hành trình bền bỉ, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
Trời đã quá trưa, bóng đổ sang chiều, những tấm áo màu bã trầu và tiếng hát Soọng cô dần khuất vào tán vải phía chân đồi, trong tôi vẫn còn ấn tượng về một thôn kiểu mẫu giữa non cao. Tin tưởng rằng, những thành quả ngọt ngào điển hình từ thôn Muối sẽ như một đốm lửa góp phần lan tỏa, để ngày càng có thêm nhiều miền quê đáng sống. Hẹn trở lại nơi đây vào mùa vải chín.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/vi-ngot-thon-muoi-postid415017.bbg