Vi phạm bản quyền ngữ liệu trong SGK: Đừng nghĩ không phạm luật!

Hiện nay, dư luận xã hội có nhiều ý kiến về việc các soạn giả sách giáo khoa (SGK) đã dùng các tác phẩm văn học, chuyển đổi, sửa chữa, phóng tác... làm nội dung các bài học cho học sinh, thì vấn đề bản quyền sẽ như thế nào? Để làm rõ vấn đề, PLVN đã phỏng vấn nhà văn Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC).

Bài 42 trong sách Tiếng Việt lớp1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” sử dụng thơ Nguyễn Khuyến không trích nguồn.

Bài 42 trong sách Tiếng Việt lớp1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” sử dụng thơ Nguyễn Khuyến không trích nguồn.

Thưa ông, bản quyền tác giả văn học có khác bản quyền SGK? Nếu tác giả SGK không trích dẫn nguồn khi sử dụng các tác phẩm văn học nước ngoài hoặc trong nước, hoặc “chế” tác phẩm đưa vào SGK khiến tác phẩm bị thay đổi, biến dạng về ngữ liệu và ý nghĩa, thì theo ông có được hiểu là hành vi vi phạm hay không?

- Có thể nói ngay rằng không có bản quyền loại sách này hay bản quyền loại sách khác. Quyền tác giả là duy nhất và thống nhất, được pháp luật bảo hộ. Pháp luật chỉ quy định giá tiền khi khai thác tác phẩm văn học vào từng loại hình khác nhau mà thôi, còn quyền nhân thân của tác giả là vĩnh viễn.

Điều đó có nghĩa là khi dùng các tác phẩm văn học vào các mục đích khác nhau như in tuyển tập theo một vài tiêu chí, chọn từng phần hay toàn bộ tác phẩm vào sách có mục đích, trích có phân tích hoặc trích từng phần vào ấn phẩm mới, chuyển thể sang loại hình phái sinh… đều phải được phép của tác giả hoặc của người được quyền đại diện.

So sánh với các việc làm SGK như đã nói, đó là không trích dẫn nguồn, hoặc “chế” tác phẩm khiến tác phẩm bị thay đổi, biến dạng về ngữ liệu và ý nghĩa... đều là các hành vi vi phạm sâu sắc quyền tác giả và các quyền liên quan.

Thực tế hiện nay, có một số cách hiểu rất đơn giản về hiệu lực luật bản quyền. Họ cho rằng sau 50 năm ngày tác giả mất thì họ có quyền sử dụng vô tội vạ tác phẩm văn học của nhà văn. Họ cho rằng tác phẩm lúc này là của xã hội, họ muốn làm gì cũng được.

Họ quên rằng quyền nhân thân của tác giả là vĩnh viễn. Đó là quyền công bố, quyền đặt tên tác phẩm, công bố một phần hay từng phần, đặt tên tác phẩm, tên tác giả hay bút danh, quyền thay đổi nội dung, chỉnh sửa, quyền cho, biếu tặng... không ai có thể làm thay tác giả hoặc người được thừa kế, ủy quyền.

Nếu chuyện này xảy ra đối với việc làm SGK hiện nay thì thật đáng buồn và phải xử lý theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua. Vì một khi các tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng trên thế giới hay các tác giả được yêu mến của Việt Nam bị cắt xén, phóng tác, chuyển thể làm mất nội dung, tư tưởng của tác giả, thậm chí méo mó, biến dạng tác phẩm thì đó là sự thụt lùi về thực hiện quyền tác giả.

Gần đây, đại biểu Quốc hội và công luận lên tiếng về quyền nhân thân của tác giả trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Như tôi nói, nơi khác vi phạm bản quyền đã đáng trách, ở đây là những người am hiểu pháp luật, lại viết sách cho thế hệ tương lai, nếu sự vi phạm xảy ra thì sự đáng trách tăng lên nhiều lần. Không thể lấy sự tâm huyết với trẻ mà làm trái luật. Càng không thể để tâm hồn trẻ bị các tác phẩm văn học méo mó, biến dạng xâm chiếm. Mà sự làm biến dạng, méo mó đó lại là từ sự bất chấp, cố tình của người lớn thì càng đáng buồn hơn.

Khi ngữ liệu làm biến dạng tác phẩm, khiến mất đi ý nghĩa câu chuyện hoặc ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, cần phải được thay thế ngay lập tức. Trẻ em cần được học những tác phẩm trong sáng, chuẩn mực về ngôn ngữ, không thể ngụy biện rằng, để từ từ sẽ xem xét, sẽ đính chính, sẽ bổ sung sau...

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) được thành lập theo công văn số 2118/ BNV-TCPCP ngày 23/8/2004 của Bộ Nội Vụ và Quyết định số 80/QĐ- TCHV ngày 30/8/2004 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

VLCC có nhiệm vụ phổ biến pháp luật, chủ trương của Nhà nước trong lĩnh vực bản quyền tác giả; đại diện cho các tác giả thành viên thực hiện trong việc cấp phép, thu tiền bản quyền đối với các đơn vị, cá nhân sử dụng tác phẩm văn học; bảo vệ quyền lợi của hội viên khi xảy ra vi phạm bản quyền; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước cũng như hoạt động khác phù hợp với luật pháp.

Nhóm PV (t/h)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/vi-pham-ban-quyen-ngu-lieu-trong-sgk-dung-nghi-khong-pham-luat-564504.html