Vi phạm giao thông có thể bị xử phạt 150 triệu đồng

Mức xử phạt các lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ tăng từ 75 lên 150 triệu đồng. Đây là một trong những đề xuất của Chính phủ tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sáng 15/5, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Chính phủ đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành với các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng sẽ tăng mạnh, nhiều nhất gấp 4 lần.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đọc Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đọc Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mức xử phạt hành chính ở nhiều lĩnh vực tăng gấp 4 lần

Cụ thể, vi phạm lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có mức tiền phạt tối đa là 30 triệu đồng; lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội mức phạt tiền tối đa 75 triệu đồng.

Lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tăng mức xử phạt tối đa từ 50 lên 200 triệu đồng; lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng từ 100 nâng lên 200 triệu đồng. Các lĩnh vực giao thông đường bộ tăng từ 75 lên 150 triệu đồng; lĩnh vực đê điều tăng từ 100 lên 250 triệu đồng.

Mức phạt 500 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; thị trường bất động sản; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Mức phạt một tỷ đồng được đề xuất với các lĩnh vực quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.

Chính phủ cho rằng, việc tăng nặng mức phạt để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Việc này cũng đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực "nóng", xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua.

Cảnh sát Giao thông Hà Nội xử lý người vi phạm giao thông.

Cảnh sát Giao thông Hà Nội xử lý người vi phạm giao thông.

Tránh việc xử phạt vi phạm hành chính trở thành gánh nặng

Trước đó tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đề cập về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (Điều 24), các ý kiến đề nghị việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực cụ thể cần tính toán phù hợp trên cơ sở tổng kết thực tiễn: bảo đảm tính tương quan giữa mức phạt tiền vi phạm hành chính với mức phạt tiền trong hình sự (theo nguyên tắc mức phạt tiền hành vi vi phạm hành chính không cao hơn mức phạt tiền về hình sự đối với cùng hành vi).

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 37a), các đại biểu tán thành việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành trong thời hạn kiểm tra để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính khi dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bỏ thanh chuyên ngành tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ một số đơn vị đặc thù).

Tuy nhiên, hiện nay chưa có luật về kiểm tra nên có thể không bảo đảm tính nhất quán, thống nhất trong xử phạt vi phạm hành chính giữa các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn về nội dung này trong quá trình triển khai thực hiện.

Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát từng chức danh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan như: Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán; dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)... Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản; về quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; về quy định chuyển tiếp…

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Sau đó, các đại biểu thảo luận dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-pham-giao-thong-co-the-bi-xu-phat-150-trieu-dong-329731.htm