Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc bị xử phạt như thế nào?

* Bạn đọc Trần Văn Sơn ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, hỏi: Hành vi vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 15 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

1. Không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

2. Không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật.

3. Không công khai nội dung chính của đối thoại hoặc quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

4. Không bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc.

5. Không cử hoặc cử không đúng thành phần đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.

6. Không báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.

 Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

* Bạn đọc Nguyễn Thị Mai ở xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, điều kiện của người lao động do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa đi làm việc ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 44 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.

3. Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

4. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

5. Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.

6. Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/vi-pham-quy-dinh-ve-doi-thoai-tai-noi-lam-viec-bi-xu-phat-nhu-the-nao-779592