Vi phạm về trật tự xây dựng ở TP.HCM giảm mạnh

Trước khi có Chỉ thị 23, mỗi ngày TP.HCM có đến chín vụ vi phạm về trật tự xây dựng, tuy nhiên đến nay con số này chỉ còn dưới một vụ.

Sáng 13-7, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết về kết quả thực hiện Chỉ thị 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 3333/2019 của UBND TP.HCM về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD).

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong suốt thời gian từ năm 2010 đến nay, TP phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về TTXD, vì vậy Thành ủy TP đã có Chỉ thị 23, TP cũng có Kế hoạch 3333. Qua thời gian thực hiện cũng có những khó khăn, vướng mắc nhưng mặt được nhất là sự đồng thuận của người dân, các tổ chức và cả hệ thống chính quyền.

“Điểm nóng” Bình Chánh đã có chuyển biến rõ rệt

Theo ông Quân, khi chưa có Chỉ thị 23 thì số vụ xây dựng trái phép bị phát hiện mỗi ngày có khi 9-10 vụ, tuy nhiên sau khi có Chỉ thị 23 thì chỉ còn 1,8 vụ/ngày. Trong sáu tháng đầu năm nay thì chưa tới một vụ/ngày. Đến nay, gần như phát hiện kịp thời được tất cả các vụ vi phạm trên địa bàn TP.

Mỗi ngày tôi vẫn nhận được tin nhắn từ người dân, một số tổ chức hoặc các số điện thoại nặc danh liên quan đến xây dựng, đến thanh tra xây dựng với nội dung bao che, có công trình này chưa xử lý… Các tin nhắn tôi đều chuyển cho chánh thanh tra xây dựng xác minh, xử lý. Trong thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp gì để ngăn chặn vi phạm về TTXD, như câu chuyện cái nhà bự vậy vi phạm thì không bị phát hiện nhưng có nơi sửa nhà, một xe chở cát đi vào là biết ngay.

Ông TRẦN HOÀNG QUÂN, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Ông Quân dẫn chứng ở các huyện ngoại thành có tỉ lệ vi phạm rất cao như huyện Bình Chánh, sau quá trình kiểm tra, thanh tra, giai đoạn 2013-2018 (trước khi có Chỉ thị 23) phát hiện trên 5.000 trường hợp xây dựng không phép, trái phép nhưng đến nay con số này cũng đã giảm.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh, cho biết qua bốn năm thực hiện Chỉ thị 23, tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn huyện Bình Chánh đã có chuyển biến rõ rệt, từng bước kéo giảm số vụ việc vi phạm. Cụ thể, năm 2019, số công trình vi phạm của huyện này là 132 đến năm 2020 là 51 công trình, năm 2021 là 21 công trình và năm 2022 là 11 công trình. Sáu tháng đầu năm nay, huyện chỉ có bốn công trình vi phạm về TTXD.

Báo cáo sơ kết của Sở Xây dựng TP cho biết sau bốn năm thực hiện Chỉ thị 23, tổng số công trình vi phạm TTXD toàn TP là gần 2.700 (giảm 78,5% so với trước khi có Chỉ thị 23). Tính riêng sáu tháng đầu năm, công trình vi phạm là 170 (tỉ lệ giảm là 89% so với trước khi có Chỉ thị 23).

Một công trình vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ ở huyện Bình Chánh sau khi có Chỉ thị 23. Ảnh: KC

Một công trình vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ ở huyện Bình Chánh sau khi có Chỉ thị 23. Ảnh: KC

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật

Trao đổi tại hội nghị, ông Lê Hồng Đức, Đội phó Đội thanh tra địa bàn quận Gò Vấp, nói: “Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao. Đồng thời, các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên đối tượng vi phạm đã cố tình trốn tránh, cố tình vi phạm, không chấp hành quyết định xử phạt hành chính”.

Đội thanh tra địa bàn quận Gò Vấp cũng nêu giải pháp cứng rắn thời gian tới là cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu liên quan trực tiếp đến công tác quản lý TTXD trên địa bàn. Thậm chí, cần điều chuyển, thay thế công chức, thanh tra viên có uy tín giảm sút hay năng lực hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đại diện Đội thanh tra địa bàn quận Bình Tân cũng cho rằng một trong những hạn chế thời gian qua là việc lập, thẩm định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình sai phép còn chậm, do đó vẫn còn một số công trình đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

“Một số trường hợp chủ đầu tư lợi dụng việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có diện tích lớn để biến tướng thành nhà kho, nhà xưởng hoặc phân chia thành nhiều căn hình thành chung cư mini để bán, cho thuê gây khó khăn trong công tác quản lý về TTXD” - đại diện Đội thanh tra địa bàn quận Bình Tân nêu thực trạng.

Liên quan đến việc xử lý cán bộ vi phạm, ông Quân nói: “Nhìn nhận lại, chúng ta được nhiều và cũng mất rất nhiều. Đó là bài học xương máu, là mất cán bộ. Theo thống kê, từ tháng 7-2019, chúng ta kỷ luật, xử lý kỷ luật 184 trường hợp. Trong đó, nhẹ nhất là phê bình kiểm điểm, nặng nhất là cách chức, buộc thôi việc”.•

Không thể ngưng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm

Theo Sở Xây dựng TP, việc ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD và xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý đấu nối, cung cấp dịch vụ điện, nước cho công trình vi phạm TTXD hiện nay không thực hiện được. Nguyên nhân là do Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xây dựng 2014 và các văn bản pháp luật liên quan không quy định việc ngừng cung cấp điện, nước trong xử lý vi phạm hành chính.

Vì vậy, Sở Xây dựng TP đề xuất không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này vì không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-pham-ve-trat-tu-xay-dung-o-tphcm-giam-manh-post742216.html