Vì sao 10 năm không doanh nghiệp nào 'đổ tiền' vào Làng Văn hóa?
10 năm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhưng không ai mặn mà.
Trong báo cáo tại Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao,diễn ra tại Quảng Ninh sáng 12/5, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nêu một số bất cập tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng).
Ông Hùng cho biết, theo quy định, Làng được hợp tác, liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ở các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Làng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số thẩm quyền của Làng được quy định bất cập với các luật hiện hành.
Theo ông Hùng, việc tổ chức đưa đồng bào về sinh sống tại Làng làm phong phú thêm các hoạt động, góp phần thu hút khách du lịch. Song mức trợ cấp cho đồng bào vẫn còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu.
Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo, ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nêu thực trạng suốt 10 năm qua, dù đã kêu gọi nhưng không nhà đầu tư nào đổ vốn về Làng.
Theo ông Chung, có hai lý do quan trọng dẫn tới việc này. Thứ nhất là vướng mắc thẩm quyền quy định hiện nay và chức năng, nhiệm vụ của Làng được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014. Tại quyết định này, Thủ tướng cho phép Trưởng BQL Làng được phép phê duyệt quy hoạch, được cho thuê đất, giao đất cho doanh nghiệp và cấp chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Chung tại thời điểm sửa Luật Đầu tư năm 2015, tiếp đó là Luật Đất đai, Luật Xây dựng đã không cập nhật Làng vào những luật này. Vì thế, khi triển khai thu hút đầu tư, Làng gặp nhiều vướng mắc.
Thứ hai là các dự án đầu tư vào Làng không được hưởng bất cứ ưu đãi nào. “Đầu tư vào công trình văn hóa thu hồi vốn rất chậm, song số tiền bỏ ra lại lớn. Trong khi đó không có bất cứ ưu tiên nào cho nhà đầu tư nên họ không mặn mà”, ông Chung nói.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị: Cần xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, giao thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai... để một số thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu Liên hợp thể thao quốc gia...) có thể thực hiện được đầy đủ trách nhiệm và vai trò của mình; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để thu hút nhà đầu tư vào các khu chức năng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; Có giải pháp thích hợp trong việc quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, tạo nguồn thu bổ sung một phần cho ngân sách Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã giải đáp tại chỗ những khó khăn, vướng mắc phía Bộ VHTTDL: "Thứ nhất, khi thành lập Làng, đề án đưa ra là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, dự án được đầu tư với hình thức đầu tư công. Tại thời điểm xây dựng Luật Đầu tư, Bộ KH-ĐT đã làm việc với Bộ VHTTDL, các cơ quan liên quan làm rõ 2 vấn đề: Thẩm quyền và quản lý Nhà nước đối với Làng và các dự án đầu tư thứ cấp tại đây là gì. Tại cuộc làm việc, chưa rõ Làng quản lý dự án đó theo hình thức nào. Vì thế, Luật Đầu tư chưa quy định và cấp thẩm quyền của Làng vào trong Luật Đầu tư. Khi không rõ sẽ ứng xử với các dự án trong khu thứ cấp đó như thế nào thì không đưa được vào ưu đãi đầu tư".
Bà Ngọc khẳng định Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với Bộ VHTTDL tiếp tục làm rõ vấn đề này.