Vì sao 7 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài?

Các tàu biển của Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài bởi những khiếm khuyết chủ yếu về hệ thống cứu hỏa, van két dầu không hoạt động...

Thống kê của Cục Đăng kiểm VN, từ đầu năm 2024 tới nay, có 7 tàu biển bị lưu giữ PSC trên tổng số 224 lượt tàu bị kiểm tra, tỷ lệ là 3,12%.

Số lượng tàu bị lưu giữ được duy trì ở mức thấp, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách trắng của Tokyo MOU.

Cụ thể, 7 tàu biển bị lưu giữ gồm: PVT Neptune (Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt), PVT Aroma (Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Hà Nội), VIMC Sunrise (Công ty Vận tải biển VIMC), Silver Star (Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế), TM Hai Ha 988 (Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà), Tan Binh 239 (Công ty TNHH Tân Bình), Hải Nam 81 (Công ty TNHH Hải Nam), Trường Sơn (Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Minh Tuấn).

Số lượng tàu bị lưu giữ của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức thấp. Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách trắng của Tokyo MOU (Ảnh minh họa).

Số lượng tàu bị lưu giữ của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức thấp. Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách trắng của Tokyo MOU (Ảnh minh họa).

Có nhiều nguyên nhân khiến các tàu biển bị lưu giữ. Trong đó, riêng tàu PVT Neptune (Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt) có 3 lần bị lưu giữ tại 3 cảng biển khác nhau của Trung Quốc là tại cảng Dongjiakou, cảng Đại Liên và cảng Ninh Ba.

Tàu bị lưu giữ bởi nhiều khiếm khuyết như thiếu một bu lông vít của cửa hầm buồng máy mạn trái; thiếu chữ ký của thuyền trưởng trong Nhật ký dầu từ trang 35 đến 44; bộ tăng áp của máy đèn số 1 không được trang bị cách nhiệt; một nhiệt kế cho máy đền sự cố số 1 bị hỏng; đèn chiếu sáng sự cố cho khu vực tập trung và trạm lên tàu bị hỏng...

Tàu PVT Aroma bị lưu giữ tại Cảng Thượng Hải do loại tàu ghi trong giấy chứng nhận báo cáo tiêu thụ dầu nhiên liệu không đúng; thiết bị cố định cho nhiều nắp ống thông hơi của hầm hàng và kho trên boong bị thiếu; đường ống của hệ thống dập cháy cố định bằng CO2 tại khu vực giữ hầm hàng số 1 và 4 bị thủng và ăn mòn nhiều; van đóng nhanh của két dầu nhiên liệu trong buồng máy không hoạt động; tàu có nguy cơ không thể điều động tự do tại luồng Nancao có mật độ dày đặc, vùng nước hẹp vào ngày 1/7/2024. Bộ lọc dầu nhiên liệu kép của máy chính bị tắc...

Cũng bị lưu giữ tại Cảng Thượng Hải, tàu VIMC Sunrise có những khiếm khuyết như máy phát điện sự cố không thể tự động khởi động tại thời điểm kiểm tra; giá đỡ của đèn chiếu sáng sự cố tại vách của ống khói bị rỉ sét và thủng; bảng hiển thị hệ thống phun sương buồng máy bị lỗi; Van đóng nhanh cho két dầu trực nhật DO tới máy đèn và két dầu trực nhật FO tới máy chính bị cố định tại vị trí mở và các van điều khiển khí cho các van này bị đóng lại; Van xả của cả hai xuồng cứu sinh không thể đóng tự động.

Tàu Silver Star bị lưu giữ tại cảng Rizhao (Trung Quốc) với những lỗi như khớp nối đường ống cứu hỏa tại mạn phải boong chính bị rò rỉ; thông hơi của buồng lái bị mòn rỉ với 2 lỗ thủng; còi hơi phía trước không hoạt động; nắp ống thông hơi của buồng sinh hoạt không đóng được; bộ la bàn lặp mạn trái bị lỗi (lệch 3 độ); hệ thống phun sương tại khu vực phía trước lò đốt rác bị lỗi; động cơ xuồng cứu sinh mạn trái khó khởi động; ống khói của buồng máy chính bị ăn mòn, có lỗ thủng (2x3cm); cuộn vòi chữa cháy bị rò rỉ tại boong thượng tầng mũi; chiều cao dây chắn xích tại mạn trái và mạn phải phía sau boong chính ngắn hơn 1m...

Tàu Tân Bình 239 bị lưu giữ từ cảng Thiên Tân (Trung Quốc) do động cơ của xuồng cứu hộ không thể khởi động; 3 cửa chống cháy cấp A tự đóng lối vào hành lang từ cầu thang không đóng kín được; các trang thiết bị của xuồng cứu sinh không được bảo quản; chiều rộng của lối thoát hiểm khu vực sinh hoạt ngắn hơn 700mm (khoảng 630mm); thực tập cứu hỏa không thỏa mãn yêu cầu của SOLAS như thiết bị liên lạc không được kiểm tra; việc bố trí sẵn sàng các trang thiết bị cho việc thực tập rời tàu không được kiểm tra; khi thực tập cứu hỏa trong buồng máy, thuyền trưởng và một số thuyền viên đi theo hỗ trợ không mặc quần áo chống cháy.

Cũng bị lưu giữ tại cảng Thiên Tân, tàu Hải Nam 81 có các khiếm khuyết phải khắc phục như không có bằng chứng khách quan để chứng minh nước thải đã qua xử lý thải ra từ thiết bị xử lý nước thải trên tàu có thể đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu của MARPOL; phao cứu sinh có đèn tự sáng không được bố trí gần thang khu vực buồng sinh hoạt để sử dụng; đèn chiếu sáng sự cố gần xuồng cứu sinh mạn trái bị hỏng; hệ thống báo cháy bên trong trạm chữa cháy bị lỗi. Đèn báo cháy nhấp nháy hiển thị trên bảng hiển thị báo cháy không được tắt được. Thợ điện cũng không giải thích được nguyên nhân sự cố, không cung cấp hướng dẫn, quy trình vận hành hệ thống khi kiểm tra...

Tàu Trường Sơn bị lưu giữ tại cảng Yangpu với các lỗi như tem của bơm phun nhiên liệu máy chính không đúng với trong Technical file; máy phân ly dầu nước không đủ áp suất hoạt động, van điện từ bị hỏng; thảm cao su cách điện của bảng điện chính bị rách; các van tự đóng của thước thăm dầu của các két dầu D.O.T bị cố định buộc...

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-7-tau-bien-viet-nam-bi-luu-giu-tai-nuoc-ngoai-192240510175929974.htm