Vì sao Bộ Tài chính không muốn giao dịch tiền mã hóa trong trung tâm tài chính?
Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất thí điểm giao dịch tiền số, tài sản số trong trung tâm tài chính do lo ngại an ninh tài chính.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Do còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập đến các chính sách cụ thể.

Bộ Tài chính 'bác' đề xuất giao dịch tiền mã hóa trong trung tâm tài chính. (Ảnh minh họa).
Bộ Tài chính nhấn mạnh triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính.
Để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026.
Trước đó, tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Theo đề xuất này, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số).
Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính dự kiến được thực hiện từ 1/7/2026.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết điều này, tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm các biện pháp về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa; các nội dung khác có liên quan đến quản lý, hoạt động của các giao dịch có liên quan tới hoặc thực hiện bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Bên cạnh đó là biện pháp quản lý đối với các hoạt động “đào” tài sản mã hóa nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng và môi trường; cách thức quản lý, xử lý đối với việc phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích.