Vì sao cấm các thương nhân phân phối mua lại xăng dầu của nhau?

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, dự thảo nghị định mới được thiết kế theo hướng bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, nhằm loại bỏ số liệu 'ảo' về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới để thay thế các nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu đã ban hành. Hiện dự thảo mới đang được cơ quan này đưa ra để lấy ý kiến lần thứ 4.

Trả lời báo chí ngày 4-10 về quy định các doanh nghiệp phân phối không được mua đi bán lại của nhau, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, việc dự thảo nghị định nêu ra quy định như vậy là cần thiết để ngăn chặn số liệu và nhu cầu ảo.

 Bà Nguyễn Thúy Hiền trả lời phỏng vấn của báo chí. Ảnh: LÂM PHONG

Bà Nguyễn Thúy Hiền trả lời phỏng vấn của báo chí. Ảnh: LÂM PHONG

* Thưa bà, dự thảo mới này có đảm bảo tạo cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp xăng dầu, nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của nhà nước đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này?

* Bà NGUYỄN THÚY HIỀN: Để đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành, tạo sự đồng thuận của xã hội, dự thảo của Bộ Công thương xác định rõ mục tiêu điều hành là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

Một số điểm mới trong dự thảo liên quan cơ chế điều hành giá xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu… Dự thảo đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai và gửi văn bản kê khai giá về cơ quan quản lý để giám sát.

Dự thảo cũng đề xuất quy định việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024). Đồng thời, dự thảo bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong kinh doanh xăng dầu.

* Thị trường xăng dầu sau một thời gian phát triển đã có nhiều thương nhân tham gia, trong đó có các thương nhân phân phối. Vậy hoạt động của thương nhân phân phối xăng dầu được quy định như thế nào?

* Theo quy định hiện hành, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các thương nhân phân phối phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất như có cửa hàng, đại lý bán lẻ, kho bể và phương tiện vận tải.

Họ có quyền mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối khác, bán lẻ tại các cửa hàng trực thuộc và cung ứng cho các đơn vị phục vụ sản xuất. Đồng thời, họ cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá bán và tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy.

* Hiện nay, thị trường phân phối đang có gần 300 doanh nghiệp tham gia, nhờ đó tăng cường tính cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng thương nhân phân phối mua lại của nhau, cùng 1 lít xăng nhưng được ghi nhận nhiều lần. Theo bà, tình trạng này gây ra những rủi ro gì?

* Một số rủi ro hiện nay như, việc cho phép thương nhân phân phối mua xăng dầu của nhau đã tạo ra nhiều tầng nấc trung gian, làm tăng chi phí phân phối và dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ thấp. Thương nhân phân phối có thể ghi nhận lượng xăng dầu tiêu thụ “ảo”, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát nguồn cung. Việc mua bán giữa các thương nhân phân phối còn phục vụ mục đích tài chính (thế chấp hợp đồng để vay tiền - PV), không đảm bảo đúng mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

 Ngăn chặn tình trạng mua bán lòng vòng của doanh nghiệp phân phối để gây ra sốt ảo. Ảnh minh họa

Ngăn chặn tình trạng mua bán lòng vòng của doanh nghiệp phân phối để gây ra sốt ảo. Ảnh minh họa

* Dự thảo nghị định lần này nêu ra quy định các thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu với nhau. Tại sao phải quy định như vậy?

* Dự thảo nghị định lần này xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu với 3 cấp: thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ. Quy định này nhằm giảm tầng nấc trung gian, loại bỏ số liệu “ảo” và giúp thương nhân đầu mối tính toán chính xác lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Điều này cũng hỗ trợ cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn nguồn cung để đảm bảo phục vụ tiêu thụ nội địa.

Quy định mới của dự thảo nhằm giúp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước hoặc mua của nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước.

Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.

* Nhưng có một số ý kiến cho rằng quy định thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu với nhau có thể hạn chế cạnh tranh, không đảm bảo sự công bằng…

* Kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên thương nhân phải tuân thủ các điều kiện khi tham gia thị trường. Quy định này không làm mất đi tính cạnh tranh, bởi các thương nhân vẫn có thể cạnh tranh trong từng phân khúc thị trường. Điều này còn tạo động lực cho thương nhân phát triển lên phân khúc cao hơn, chẳng hạn trở thành thương nhân đầu mối.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-sao-cam-cac-thuong-nhan-phan-phoi-mua-lai-xang-dau-cua-nhau-post762115.html