Vì sao cấm công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận?

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đây là quy định cần để bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn thông tin chưa được kiểm chứng.

Tránh lạm dụng, suy diễn

Sáng 6/5, Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc buổi sáng để nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình. Trong đó, nội dung về dạy thêm, học thêm; những việc không được làm; quy định về lương của giáo viên còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo ông Vinh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định quyền của nhà giáo được dạy thêm; quy định rõ hơn việc cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức, không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy.

Song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của người học và người dạy. Dự thảo luật đã có quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.

Cũng có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định theo hướng nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm của học sinh, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến của Đại biểu Quốc hội là xác đáng.

Việc học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên, việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Dự thảo Luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Trong quy định về những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, ông Vinh cho biết: có ý kiến đồng tình quy định các tổ chức, cá nhân không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo nhưng đề nghị cân nhắc quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo để tránh mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, ông Vinh cho biết, quy định trên là cần thiết nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh nhà giáo trước việc lạm dụng, suy diễn và phát tán các thông tin khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến, kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những sự việc chưa được thanh tra, kiểm tra, vẫn có thể phản ánh thông tin nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, biểu hiện tiêu cực.

Đối với vụ việc đang được tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận của cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, việc công bố thông tin là không được phép, vì có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình thanh tra, kiểm tra.

Quy định này không mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin, quyền, nghĩa vụ và những hành vi bị cấm trong Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự... Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ quy định như trong dự thảo luật.

Không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo

Về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp để tương thích với khả năng thay đổi chính sách lương trong tương lai.

Có ý kiến đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo; quy định bảng lương linh hoạt theo cấp học, thâm niên của nhà giáo.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Giải trình làm rõ, ông Vinh cho hay nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, do vậy, lương của nhà giáo thực hiện theo thang bảng lương hành chính sự nghiệp áp dụng cho đối tượng viên chức.

Chính sách về tiền lương, phụ cấp của viên chức hiện đang được quy định trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, do vậy, nếu chính sách lương cho viên chức có thay đổi thì vẫn phù hợp với đội ngũ nhà giáo với tư cách là viên chức.

Dự thảo luật đã quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, ngoài ra, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng được quy định bởi pháp luật. Do vậy, đề nghị không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo.

Về việc quy định bảng lương nhà giáo linh hoạt theo cấp học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng chính sách lương theo vị trí việc làm. Do vậy, đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Trang Trần

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/vi-sao-cam-cong-khai-thong-tin-sai-pham-cua-nha-giao-khi-chua-co-ket-luan-19225050609524428.htm