Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không nên công bằng theo cách giữ cho nhau đều khổ, đều khó
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rất khuyến khích các địa phương dành nguồn lực hỗ trợ cho nhà giáo, như TP.HCM vừa qua đã hỗ trợ giúp đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn.
Sáng 6-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Dự kiến ngày 11-6, ngày làm việc đầu tiên của đợt 2 kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các đại biểu Quốc hội đã phát biểu hôm nay. “Qua các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi đều cảm nhận được một tinh thần, một sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu và hết sức ủng hộ”- ông Sơn nói.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay dự thảo ban đầu gồm 96 điều, cho đến bản dự thảo lần này đưa ra còn 46 điều. Với những ý kiến mong muốn tiếp tục giảm số điều quy định tại dự thảo, Bộ trưởng đề nghị “các đại biểu hết sức cân nhắc”. Với nhóm các ý kiến mong muốn cụ thể hơn, chi tiết hơn, thực tế hơn, khả thi hơn, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến để tiếp thu trong quá trình xây dựng các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.
Nên khuyến khích những địa phương có điều kiện hỗ trợ cho nhà giáo
Tại phiên thảo luận sáng nay, một số ý kiến đại biểu đề nghị không nên khuyến khích các địa phương ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ nhà giáo. Điều này để đảm bảo sự công bằng và để các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đỡ khó hơn trong việc thu hút giáo viên.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: PHẠM THẮNG
Trao đổi lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng với một số địa phương có điều kiện thì nên “rất khuyến khích” dành các nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho lực lượng nhà giáo.
Ông dẫn chứng TP.HCM thời gian qua đã chủ động dành các nguồn kinh phí hỗ trợ giúp đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, giáo viên đỡ chuyển việc, nghỉ việc hơn.
“Theo tôi, đây là một điều rất đáng quý và rất nên khuyến khích. Chúng ta ủng hộ nếu đó là điều tốt đẹp, là điều kiện giúp giáo viên được hưởng những chế độ được tốt nhất, còn không nên công bằng theo cách giữ cho nhau đều khổ, đều khó như nhau. Chúng ta nên khuyến khích những nơi có điều kiện, còn những nơi chưa có điều kiện, Nhà nước phải có thêm những chính sách để hỗ trợ cho các địa phương đó”- vẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, thực tế, các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên... “Chúng ta nên khuyến khích, nên cổ vũ trong các điều kiện cả Nhà nước, cả trung ương và địa phương đều cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, ở đây là chăm lo cho các nhà giáo”- Bộ trưởng Sơn nói tiếp.
Bộ trưởng lý giải về chính sách tuyển dụng giáo viên
Liên quan đến chính sách tuyển dụng giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Điều 14 dự thảo đang thiết kế theo hướng giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì thực hiện tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập. Đơn vị quản lý giáo dục ở đây là cấp tỉnh, trực tiếp là Sở GD&ĐT, việc tổ chức Hội đồng tuyển dụng đảm bảo các đề thi cũng như các nội dung khác sẽ có thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Sơn cho rằng nếu Hội đồng tuyển dụng quy mô nhỏ hẹp giới hạn trong một vài cơ sở thì có thể một giáo viên sẽ phải thi vào nhiều chỗ.
“Theo chủ trương phân cấp, phân quyền, chúng tôi có lưu ý đến tinh thần "nơi đâu sử dụng lao động, nơi đó có quyền được tuyển dụng”. Tuy nhiên, điều đó lại khó áp dụng đối với các cơ sở giáo dục ở cấp mầm non và tiểu học”- ông Nguyễn Kim Sơn nói và cho rằng với một trường mầm non chỉ có rất ít các thầy, các cô lại phải thành lập một hội đồng tuyển dụng với các yêu cầu khắt khe của tuyển dụng viên chức thì sẽ rất khó khăn.
Do vậy, điều luật nói trên đồng thời cũng giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện tuyển dụng nếu cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
“Các trường THPT đủ các điều kiện có thể tuyển dụng thì cũng sẵn sàng phân cấp”- Bộ trưởng Sơn nói.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Sơn cho hay ngoài Luật Nhà giáo, hiện Bộ GD&ĐT đang chủ trì việc sửa đổi, bổ sung 3 luật khác có liên quan đến ngành giáo dục: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ba luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của kỳ họp sau.