Vì sao căn hộ khu vực Tây Hồ Tây đang lập đỉnh giá nhưng vẫn khan hàng?
Hà Nội đang chứng kiến một cuộc đua giá mới trong phân khúc căn hộ cao cấp, với điểm nóng nằm ở khu vực Tây Hồ Tây, nơi đang thiết lập mặt bằng giá mới chạm mốc 300 triệu đồng/m², vượt xa các khu vực khác trong nội đô nhưng vẫn khan hiếm nguồn cung.
Tây Hồ Tây có giá đất, giá nhà cao "top" đầu Hà Nội
Là cửa ngõ kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc Thủ đô, lại nằm giữa giao điểm sông Hồng và Hồ Tây, Tây Hồ Tây nổi bật khi sở hữu vị trí đắc địa, hệ sinh thái đô thị đồng bộ, kết nối với các trục đường huyết mạch như Võ Chí Công, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng…

Dù có giá cao kỷ lục, nhà ở tại khu vực Tây Hồ Tây luôn được săn đón mỗi khi có hàng.
Theo bảng giá đất mới do UBND TP Hà Nội công bố cuối năm 2024, Tây Hồ Tây là khu vực có mức điều chỉnh cao nhất, với đơn giá đất hơn 113 triệu đồng/m², tăng đến 225% sau điều chỉnh và vượt các khu vực khác từ 4 - 12%.
Tại khu vực các khu đô thị cao cấp khác như: Nam Trung Yên, Ngoại giao đoàn, Thành phố Giao Lưu, Mỹ Đình và Mễ Trì đều có giá trong khoảng 101 - 109 triệu đồng/m², thấp hơn Tây Hồ Tây từ 2 – 12%. Giá chung cư tại khu vực cũng tăng mạnh, thiết lập mặt bằng giá mới trên 330 triệu đồng/m² do định hướng các sản phẩm cao cấp và vị trí đắc địa mang lại.
Một báo cáo mới nhất từ CBRE Việt Nam, khu vực Tây Hồ đang nổi lên như tâm điểm dẫn dắt thị trường với mặt bằng giá căn hộ sơ cấp trung bình ngay từ quý I năm nay đã đạt 185 triệu đồng/m².
Con số này vượt xa mức trung bình toàn thành phố, đặc biệt, những sản phẩm cao cấp như duplex, căn góc tầng cao view hồ Tây, penthouse, có mức giao dịch lên tới 300 - 330 triệu đồng/m².
Mức giá này vượt qua các dự án siêu sang tại nhiều khu vực trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình…
Theo một báo cáo từ Batdongsan.com.vn, giá sơ cấp chung cư Tây Hồ tăng trung bình 27% mỗi năm trong ba năm gần nhất.
Khảo sát thực tế các dự án tại khu vực cho thấy, các dự án ra mắt trong vòng 5 năm trở lại đây đều là những dự án trong phân khúc căn hộ cao cấp.
Có thể kể tới một số dự án như: Starlake - Tây Hồ Tây với mức giá phổ biến hiện tại dao động từ 110 - 165,5 triệu đồng/m², đối với phân khúc biệt thự liền kề, giá rao bán từ 372 - 801,9 triệu đồng/m²; Một dự án khác là 6th Element có mức giá rao bán khoảng 80 - 120 triệu đồng/m² trong tháng 7/2025; dự án Heritage Westlake đang có giá rao bán trên thị trường thứ cấp khoảng 130–180 triệu đồng/m²; Các dự án cao cấp khác như Celestine được quảng cáo từ 6.000 USD/m² (khoảng 140 triệu đồng/m²).
Giá tăng cao nhưng khan hiếm vì dự án nhỏ giọt
Theo số liệu khảo sát mới nhất của OneHousing, đến tháng 6/2025, khu vực Tây Hồ Tây chỉ ghi nhận hai dự án hạng sang mở bán từ đầu năm 2024 đến nay. Trong khi tổng nguồn cung sơ cấp của toàn thị trường Hà Nội đã vượt hơn 19.000 căn trong năm 2024, phần lớn lại rơi vào khu vực phía Tây và Đông thành phố.

Khu vực Tây Hồ Tây chỉ đón nhận duy nhất hai dự án hạng sang mở bán từ đầu năm 2024 đến nay.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing cho biết: "Tây Hồ Tây gần như vắng bóng dự án mới. Những dự án đã mở bán từ trước đa phần đã bán hết, chỉ còn sót lại một lượng căn hộ rất hạn chế. Sự khan hiếm kéo dài này khiến việc tiếp cận một căn hộ chung cư Tây Hồ Tây ngày càng trở nên khó khăn, không chỉ với nhà đầu tư mà cả với người mua ở thực".
Vị chuyên gia nhận định, không có thêm dự án mới trong khi nhu cầu không ngừng tăng cao, giá bán các căn hộ tại Tây Hồ Tây đã và đang leo thang với tốc độ đáng kể. Mức giá hiện tại của nhiều căn hộ đã tiệm cận 250 - 270 triệu đồng/m².
Dù giá cao, thị trường vẫn không chững lại. Chuyên gia cho biết, nhiều đợt mở bán mới vẫn ghi nhận tỷ lệ giao dịch thành công gần như tối đa, cho thấy nhu cầu thực tế tại khu vực này vẫn rất mạnh. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường thứ cấp cũng đang trong tình trạng khan hiếm kéo dài.
Theo chuyên gia, tỷ lệ tin rao bán lại chung cư Tây Hồ Tây đã giảm từ 50 - 60% so với năm 2023. Phần lớn chủ nhà hiện nay có xu hướng nắm giữ lâu dài thay vì sang nhượng, xem bất động sản tại đây như một dạng tài sản ổn định, bền vững theo thời gian.
Chính sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu khiến mặt bằng giá bị đẩy lên cao, nhưng người mua vẫn buộc phải chấp nhận nếu muốn sở hữu một sản phẩm tại khu vực được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng hàng đầu Thủ đô.
Chị Nguyễn Thị Tình, một môi giới chuyên bán các dòng căn hộ cao cấp tại Tây Hồ Tây chia sẻ: "Nhiều người hỏi tại sao giá chuyển nhượng căn hộ ở Tây Hồ Tây lại cao chót vót, trên hàng trăm triệu đồng/m², mà vẫn gần như không có hàng. Câu trả lời thật sự nằm ở chính người mua đầu tiên: Vì họ không bán. Họ xác định mua để giữ lâu dài, để ở, hoặc nếu có bán, cũng phải lời thật sâu, mà những dự án đang có hàng cũng chỉ là lác đác".
Chị Tình cho rằng, tại khu Tây Hồ Tây, người mua ban đầu không phải đầu tư lướt sóng, mà họ xác định mua để ở lâu dài và chỉ bán nếu lời cao, hoặc đổi sang sản phẩm cao hơn. "Có căn tôi từng xử lý chuyển nhượng tại 6th Element, mua từ năm 2020 khoảng 42 triệu đồng/m², đến giữa 2025 giao dịch ở mức 92 triệu đồng/m², tức lời hơn gấp đôi, vậy mà chủ vẫn lưỡng lự, vì còn tiềm năng", chị Tình kể.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại tại Savills Hà Nội nhận định rằng, không nhiều khu vực tại Hà Nội cùng lúc sở hữu quy hoạch bài bản, cộng đồng cư dân quốc tế, mật độ văn phòng cao và định hướng phát triển hành chính - ngoại giao như Tây Hồ Tây. Theo chủ trương của phát triển của TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực phía Tây Hà Nội được định hướng mở rộng và phát triển thành lõi trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại mới, nơi đây sẽ đón hàng loạt trụ sở các bộ ban ngành hàng đầu, đại sứ quán và các văn phòng tổ chức phi Chính phủ… trong đó, dự kiến đặt trụ sở một số bộ, ngành ở Tây Hồ Tây.
Vị chuyên gia cho rằng, khu vực Tây Hồ Tây hội tụ các yếu tố từ quy hoạch hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện đến cộng đồng cư dân quốc tế, mật độ văn phòng và cơ quan ngoại giao cao, đây cũng là lý do khiến cho giá trị bất động sản tại đây ngày một tăng cao.