Vì sao cần thiết xây dựng Luật Dân số?
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới.
LTS: Thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp…. Vậy làm thế nào để đạt mục tiêu dân số và phát triển bền vững tại Việt Nam? Người Đưa Tin xây dựng tuyến bài viết Dân số - “chìa khóa vàng” cho phát triển bền vững.
Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế
Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi Điều 10 năm 2008. Suốt thời gian qua, Pháp lệnh đã tác động tích cực trong việc điều chỉnh các vấn đề dân số; khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán điều chỉnh dân số ở nhiều văn bản trước đó; tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công tác dân số.
Tuy nhiên, qua hơn 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Các vấn đề dân số và kinh tế, xã hội hiện nay có những thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành Pháp lệnh.
Như tại thời điểm ban hành Pháp lệnh năm 2003, Việt Nam chưa đạt mức sinh thay thế (đạt từ năm 2006). Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chưa nổi lên và ở mức nghiêm trọng (bắt đầu từ những năm 2006-2007); chưa xuất hiện cơ cấu dân số vàng (từ năm 2007) và bước vào giai đoạn già hóa dân số (từ năm 2011).
Hay số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững, vào năm 2023, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam là 1,96, thấp nhất trong 63 năm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới.
Điều này dẫn tới một số tác động xấu có thể nhìn ra như: Suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động dẫn đến khủng hoảng nhân lực; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng hiện tại…
Cần quy định ở cấp độ luật
Do vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, nên cần phải quy định ở cấp độ luật những nội dung liên quan đến quyền con người trong thực hiện chính sách dân số, đồng thời phù hợp với sự biến đổi của cơ cấu dân số.
Theo Bộ Y tế, cần phải thay đổi để khắc phục một số hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân số, đó là: Còn nhiều nội dung chưa phù hợp khi thể chế hóa quan điểm của Đảng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số.
Thiếu quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm và cơ chế thực hiện của các chủ thể trong thực hiện các biện pháp công tác dân số; thiếu quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, đối tượng ưu tiên, mức ưu tiên, biện pháp thực hiện đối với một số đối tượng đặc thù trong sử dụng các dịch vụ dân số;
Đối với vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp công tác dân số... Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số để thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác dân số trong tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, dự án Luật Dân số mới sẽ chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Về các đề xuất được cơ quan soạn thảo đang đưa ra, đáng chú ý là duy trì mức sinh thay thế vững chắc mức sinh thay thế bằng loạt các biện pháp trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, dự kiến Luật mới sẽ trao quyền cho các cặp vợ chồng trong việc quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đây là một bước ngoặt quan trọng sau thời gian dài Việt Nam thực hiện kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt.
Theo dự báo của các chuyên gia, nếu chính sách nới lỏng này được thực hiện, mức sinh có thể đạt mức 2,3-2,5 con/phụ nữ, kéo theo dân số Việt Nam đạt 130-140 triệu người vào năm 2050.
Cơ quan soạn thảo dự kiến cũng đề xuất một loạt các quy định để thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già, đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi; phân bố dân cư hợp lý; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Trao đổi với Người Đưa Tin về sự cần thiết phải xây dựng Luật Dân số, ĐBQH Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật Dân số để dân số đảm bảo bền vững cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Cừ, để đảm bảo phát triển bền vững dân số có tầm quan trọng rất lớn, mức sinh thay thế, già hóa dân số, kinh tế - xã hội.
“Trước xu thế già hóa dân số rất nhanh trên thế giới, nhiều nước có tỉ lệ sinh rất thấp như Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ tình hình thực tế trong nước, có thể thấy Pháp lệnh về Dân số đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần thiết phải xây dựng Luật Dân số”, ông Cừ nhấn mạnh.
Ông Cừ cũng cho biết mức sinh của Việt Nam tại một số vùng hiện nay đang ở mức báo động, sinh thấp như: Tp.Hồ Chí Minh, vùng Tây Nam Bộ và xu thế tỉ lệ sinh ngày càng thấp nêu không có các chính sách để ứng phó, khuyến khích sinh để đảm bảo ổn định.
Ông Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chia sẻ thêm với Người Đưa Tin về sự cần thiết phải xây dựng Luật Dân số.
Theo ông, Hiến pháp năm 2013 quy định những gì thuộc về quyền con người phải được ban hành theo luật, trước kia chúng ta ban hành Pháp lệnh Dân số vì vậy tuân theo hiến pháp cần nâng pháp lệnh lên thành luật.
Thêm nữa, Nghị quyết của Đảng về công tác dân số đã chỉ rõ cần phải có quy định pháp lý rõ ràng về vấn đề dân số, có thể ban hành một luật riêng về dân số hoặc quy định các vấn đề dân số trong các luật liên quan.
Cùng với đó, những vấn đề thuộc lĩnh vực dân số hiện nay đang trong quá trình biến đổi rất nhanh và cần phải điều chỉnh thành luật.
“Ngoài ra, mức độ sinh hiện nay xuống thấp nên cần phải có những biện pháp liên quan đến pháp luật để đảm bảo duy trì được mức sinh ổn định. Song song với đó, già hóa dân số là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Kinh nghiệm thế giới và thực tế cũng cho thấy chúng ta cần phải có những quy định pháp lý liên quan để điều chỉnh làm sao nhóm dân số người cao tuổi có cuộc sống hạnh phúc cả về thể chất, tinh thần”, ông Tiên chia sẻ.
Theo báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990. Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); trong khi mức sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì quy mô không đổi trong thời gian dài mà không cần di cư.
Mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số ảnh hưởng đến sự phát triển dân số bền vững.
Hiện trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.
(Còn tiếp)