Vì sao chất lượng giáo dục vẫn luôn là ẩn số?

Ngày nay, trẻ em được phụ huynh đầu tư lớn cho học hành. Nhiều học sinh có được kết quả học tập tốt cũng là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế, không phải học sinh nào cũng có kết quả học tập tốt mà vẫn được khen thưởng vào cuối năm học vì nhiều lý do khác nhau.

Tìm chất lượng giáo dục thật - một thách thức

Giải được bài toán chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay không đơn giản bởi nó bao hàm nhiều vấn đề liên quan, nhiều chỉ đạo, điều hành. Điều này được biểu hiện rõ sau mỗi kỳ thi lớn như thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học với nhiều tồn tại, bất cập.

Điều đáng nói là những hạn chế này cứ được lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác.

Chúng ta phải thừa nhận một điều là bên cạnh những học sinh siêng năng học tập, có ý chí tiến thủ, được gia đình đầu tư, quan tâm đến việc học thì luôn có một bộ phận học trò chưa hoặc không có động lực học tập, chưa được gia đình quan tâm.

Ngoài một số học sinh hổng kiến thức từ cấp tiểu học thì có những em lớp dưới học tốt nhưng càng lên lớp cao hơn càng lười học và mải mê vào những trò chơi vô bổ. Có học trò đến lớp chỉ ngồi cho có tên nhưng ít tập trung học hành, thậm chí còn chọc phá thầy cô, bạn bè.

Hiện nay mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên trẻ nhỏ được cha mẹ cưng chiều quá mức và dẫn đến thái độ không đúng mực.

Những trẻ này không nghe lời giáo viên, thờ ơ với những lời thầy cô khuyên răn, dạy dỗ. Chính vì thế, càng lên lớp cao thì những học sinh này càng mất kiến thức cơ bản, càng chán học. Nhưng, với quy định như những năm qua, dù học sinh học dở thế nào thì giáo viên cũng chỉ có thể cho học sinh ở lại 1-2 lần/ cấp học rồi cũng đành… để cho học sinh lên lớp.

Nếu cuối năm học, học sinh thiếu điểm môn nào thì vào hè giáo viên sẽ ôn tập và kiểm tra lại. Mục đích khi kiểm tra lại, giáo viên sẽ cho những học sinh này đủ điểm để được lên lớp.

Vì thế, hiện tượng một số học sinh lên đến cấp trung học cơ sở mà chưa đọc thông, viết thạo vẫn thường xảy ra và được báo chí phản ánh nhiều lần.

Về phía giáo viên, không cho học sinh lên lớp không được, không tổng kết cho đủ điểm thì không xong bởi chỉ tiêu của nhà trường, của tổ chuyên môn và có cả việc thầy cô vì tổ chức dạy thêm, vì thành tích cá nhân nên luôn tổng kết cho học sinh những điểm số phù hợp nhất.

Niềm vui học trò kết thúc năm học vào nghỉ hè. Ảnh: Mạnh Chiến

Niềm vui học trò kết thúc năm học vào nghỉ hè. Ảnh: Mạnh Chiến

Trong khi, từ lớp 1 đến lớp 5 không có kỳ thi nào, khi vượt cấp thì đa phần học sinh cũng không phải trải qua kỳ thi nào nên các em cứ đến hẹn là lên lớp, cho dù có em kiến thức cơ bản không nắm được. Lên đến hết lớp 9, học sinh mới trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - kỳ thi đầu tiên của đa số học sinh nên chất lượng thật của nhiều trường, nhiều học sinh mới được phơi bày cụ thể. Vì thế, nhiều trường trung học phổ thông chỉ lấy 2-3 điểm/môn cũng đậu, thậm chí có những năm, có trường chỉ lấy bình quân 0,58 điểm/ môn cũng nghiễm nhiên vào học lớp 10.

Nhìn vào điểm thi như vậy, dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng giáo dục. Nhưng nếu không tuyển những em này thì nhiều trường trung học phổ thông thiếu chỉ tiêu. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, nhân lực đã được đầu tư, phân bổ... sẽ giải quyết ra sao?

Lên đến lớp 12 thì lại xảy ra tình trạng nhiều nhà trường, thầy cô giáo "thương" nên học bạ của học trò phải đẹp để phòng khi học sinh thi bị điểm thấp thì có điểm học bạ "kéo lại" để nhà trường tốt nghiệp 100% hoặc là gần gần như thế. Khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông xong thì những học sinh có nguyện vọng vào học đại học, cao đẳng bây giờ cũng không khó bởi các trường đại học có rất nhiều hình thức xét tuyển khác nhau.

Có những trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; có trường kết hợp điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp với điểm đánh giá năng lực; có trường xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm học bạ; có rất nhiều trường chỉ xét tuyển bằng học bạ cấp trung học phổ thông.

Nhưng, cho dù xét tuyển bằng cách nào đi chăng nữa thì những thí sinh đậu đại học cũng sẽ học… đại học và ra trường thì tấm bằng đại học nào cũng có giá trị như nhau. Vì thế, trường uy tín hay không uy tín, tuyển sinh bằng cách nào đi chăng nữa thì khi sinh viên ra trường cũng đều tốt nghiệp đại học.

Bây giờ, ngay cả đại học chính quy và không chính quy đã có giá trị như nhau, trên tấm bằng không còn ghi loại hình đào tạo nữa thì học sinh cũng không quá quan trọng chuyện học trường này, trường kia làm gì. Thậm chí là gia đình khá giả cho học sinh du học thì việc học lại phụ thuộc vào kinh tế gia đình chứ không phải lực học của học sinh.

Quan trọng là sau khi ra trường, những người sở hữu tấm bằng đại học đó làm gì, làm ở đâu và ai là người thành công hơn mới quan trọng. Tấm bằng đại học lúc đó chẳng mấy ai quan trọng. Vì thế, học sinh bây giờ cũng không quá quan trọng việc học trên lớp bởi các em luôn có nhiều lựa chọn, nhất là những học sinh gia đình có điều kiện.

Bất cập giáo dục nảy sinh từ chính sách

Trước đây, học sinh muốn "thoát nghèo" thì gần như phải lao vào học tập và nhiều bậc phụ huynh đã luôn khích lệ con em mình cố gắng, vươn lên, học để thay đổi hoàn cảnh gia đình. Chuyện học sinh học yếu bị lưu ban là chuyện rất bình thường trước đây, bây giờ ngược lại. Học sinh vô lễ với giáo viên, hoặc lưu ban thì thầy cô bị chất vấn là vì sao để học trò như vậy.

Học sinh nghỉ học, thầy cô phải đến nhà vận động học trò đi học. Phụ huynh thấy thầy cô vào, họ không muốn tiếp nhưng theo quy định của nhiều trường phổ thông là phụ huynh phải ký vào biên bản vận động 3 lần thì mới được cho là bỏ học nên giáo viên cứ phải đến nhà học sinh nhiều lần. Khi học sinh bỏ học thì nhà trường lại vận động đi học phổ cập. Mà học phổ cập thì càng khổ giáo viên, nhà trường. Tốt nhất, ban giám hiệu nhà trường động viên giáo viên "giúp đỡ" những học trò yếu kém, cá biệt để các em qua cấp học!

Đa phần các trường chuẩn, trường chuyên, thậm chí cả trường không chuyên, không chuẩn cũng luôn bị khống chế chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy, học tập, số lượng học sinh bỏ học… nên nhiều khi chất lượng thực không đạt được thì nhà trường cũng phải "ráng" làm cho bằng được.

Cuối năm, khi xét thi đua tập thể "Lao động tiên tiến" cho tổ chuyên môn, nhà trường thì bắt buộc phải có chất lượng bằng với tỉ lệ bình quân của huyện, tỉnh trong năm. Hoặc, phải bằng hoặc cao hơn tỉ lệ học sinh giỏi ở năm học trước và tỉ lệ yếu, kém phải bằng hoặc thấp hơn năm học vừa qua. Các danh hiệu thi đua của giáo viên cũng bị khống chế vào chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Nếu thấp hơn sẽ bị cắt.

Các trường trung học phổ thông, trường đại học thì hiện nay có quá nhiều nên chất lượng đầu vào dù có những trường rất thấp nhưng các trường này cũng sẽ tuyển cho đủ chỉ tiêu. Không tuyển thì làm sao nhà trường duy trì được hoạt động? Bằng cấp đại học chính quy và không chính quy thì bây giờ có giá trị như nhau. Ngay cả quy định đầu ra của tiến sĩ bây giờ được Bộ Giáo dục và Đào tạo hạ chuẩn… thì chất lượng giảng dạy, học tập của cấp phổ thông ở nhiều địa bàn thấp cũng là chuyện không khó lý giải.

Một số chính sách vĩ mô của ngành ngay khi vừa ban hành đã bị giáo viên, dư luận không đồng tình hoặc phải miễn cưỡng đồng tình nên chất lượng giáo dục nhiều nơi, nhiều lúc chưa được đánh giá thật.

Đánh giá đúng chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục cần những chính sách vĩ mô của ngành hợp lý, hợp tình, phù hợp với hoàn cảnh thực tế... Bởi, giáo viên thì phải thực hiện theo chủ trương của ngành, của địa phương, của nhà trường, của tổ chuyên môn chứ họ không thể tự quyết định được việc đánh giá thật, đánh giá đúng chất lượng giáo dục khi mà thực tế giảng dạy quá xa với chỉ tiêu của đơn vị.

Lãnh đạo ngành, địa phương cũng phải nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, vấn đề còn hạn chế, bất cập để đưa ra một chính sách vĩ mô xuyên suốt, dài hạn. Còn nếu cứ manh mún như hiện nay thì mọi thứ rất khó thay đổi.

Khi còn xét thi đua theo tiêu chí "học sinh giỏi năm nay phải bằng hoặc cao hơn năm trước"; dạy thêm, học thêm còn tràn lan; trường giao chỉ tiêu khá, giỏi cho giáo viên… thì chất lượng giáo dục vẫn luôn là một ẩn số.

Nguyễn Khanh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-chat-luong-giao-duc-van-luon-la-an-so-179230530112815804.htm