Vì sao chính quyền Trung Quốc mất kiên nhẫn với tỷ phú Jack Ma?
Tỷ phú Jack Ma vốn nổi tiếng với tính cách thẳng thắn, thậm chí tự cao. Nhưng sự im lặng của ông sau khi Ant hoãn IPO cho thấy mối quan hệ của ông với chính phủ Trung Quốc đã khác.
Với bài phát biểu tại hội nghị ở Thượng Hải hồi tháng 10, tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc - gián tiếp đẩy thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trị giá 35 tỷ USD của gã khổng lồ fintech Ant Group vào bế tắc. Đợt IPO có thể nâng định giá của Ant lên 300 tỷ USD và giúp tài sản của ông Ma đạt 61 tỷ USD.
Trên sân khấu hội nghị, ông Ma thừa nhận cảm thấy "hơi đắn đo". Tuy nhiên, vị doanh nhân bị thôi thúc bởi suy nghĩ rằng đây là "thời điểm quan trọng nhất của sự phát triển tài chính". Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút, nhà sáng lập Alibaba chỉ trích các quy định lạc hậu sẽ bóp nghẹt sự đổi mới của ngành công nghiệp tài chính.
Hành động đó không còn xa lạ với ông, một doanh nhân nổi tiếng với sự thẳng thắn, tự tin đến mức tự cao và rất giỏi hùng biện. "Nhưng lần này, sau khi bị tung lên quá cao, ông Ma phải trở lại mặt đất", Bloomberg phân tích.
"Cơn bão quy định"
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một loạt quy định kể từ hồi tháng 9. Đến tháng 11, các quan chức Bắc Kinh đột ngột yêu cầu hoãn đợt IPO của Ant Group cùng với những quy tắc chống độc quyền mới. Giá trị vốn hóa của Alibaba bốc hơi 140 tỷ USD, tương đương 17%.
Vị tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Theo Bloomberg, thông qua sự trừng phạt công khai đối với ông Ma, Bắc Kinh đưa ra lời cảnh báo. Chính quyền Trung Quốc đã mất kiên nhẫn với sức mạnh vượt tầm kiểm soát của những đại gia công nghệ nước này. Họ bị coi là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính và chính trị của đất nước tỷ dân.
Các gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba từng được coi là động lực đứng sau sự thịnh vượng kinh tế, biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của đất nước. Nhưng giờ, chúng bị đưa vào tầm ngắm của Bắc Kinh, sau khi thu hút hàng trăm triệu người dùng và đánh chiếm hầu hết lĩnh vực của đời sống người tiêu dùng.
"Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng ông Ma không thể nắm nhiều quyền lực hơn chính quyền. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp thành công, họ cũng muốn thể hiện Trung Quốc là một điểm đến kinh doanh thích hợp", GS Rana Mitter tại Đại học Oxford nhận định.
Trên thực tế, ông Ma biết rõ về "cơn bão quy định" chuẩn bị ập đến, sau khi ông gọi hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ" và Hiệp ước Basel của hệ thống ngân hàng toàn cầu chẳng khác gì "câu lạc bộ của những người già".
Nhưng bài phát biểu đã đặt ông Ma vào "tâm bão" và dẫn đến một loạt sự kiện chưa từng có. Tối ngày 3/11, thông báo dừng đợt IPO của Ant khiến các nhà đầu tư từ New York đến Thượng Hải choáng váng. Vỏn vẹn một tuần sau, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) công bố dự thảo dài 22 trang với chủ trương ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet lớn.
Đế chế của ông Ma giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Mỗi ngày, những lãnh đạo hàng đầu của Ant đều phải làm việc với cơ quan giám sát. Trong khi đó, theo nguồn tin của Bloomberg, các cơ quan quản lý - bao gồm Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc - đang cân nhắc lựa chọn mảng kinh doanh mà Ant cần ngừng kiểm soát để ngăn chặn rủi ro đối với nền kinh tế.
"Kẻ nổi loạn"
Ông Ma từ lâu đã xây dựng hình ảnh một "kẻ nổi loạn" sẵn sàng phá bỏ các bức tường bảo vệ của doanh nghiệp quốc doanh. Công ty của ông đụng độ từ những gã khổng lồ được nhà nước chống lưng, cho đến các cơ quan quản lý ngành.
Ant ra đời cách đây 17 năm, khi Trung Quốc chưa cấp phép cho các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Với mô hình giống PayPal (có trụ sở tại Thung lũng Silicon), ông Ma đã tạo ra dịch vụ Alipay phổ biến hiện nay. Nền tảng được sử dụng để thanh toán mọi thứ từ những khoản vay đến việc mua hàng ở McDonald’s.
Alipay đã phát triển thần tốc. Dịch vụ Quick Pay ra đời năm 2013 gây ấn tượng mạnh mẽ với người dùng. Nền tảng giúp đơn giản hóa thủ tục thanh toán trực tuyến, tăng tỷ lệ mua hàng trực tuyến lên 90% và củng cố vị thế thống trị của Ant trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số.
Ông Ma thậm chí hình dung ra một ngành kinh doanh "khuấy động mọi thứ" trong lĩnh vực ngân hàng vốn được Bắc Kinh quản lý chặt chẽ. Ant tạo quỹ thị trường tiền tệ có tên Yu’ebao. Người gửi chỉ cần số dư tối thiểu 1 NDT và được phép rút tiền bất cứ lúc nào.
Yu’ebao là một phần trong mục tiêu của ông Ma nhằm tạo ra một hệ thống tài chính minh bạch và "khuấy động" hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ông trấn an các nhân viên: "Hãy tập trung vào việc của mình. Nếu ai đó phải đi tù, người đó sẽ là tôi".
Ván cược đã được đền đáp. Trong vòng chưa đầy một năm, tài sản của quỹ tăng lên 100 tỷ NDT (15,3 tỷ USD) với 30 triệu người đăng ký. Yu'ebao có thời điểm trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới. Nhà phê bình Niu Wenxiu từng mô tả nền tảng của ông Ma là "ma cà rồng", "ký sinh trùng tài chính".
Sau đó, các quan chức Trung Quốc ngay lập tức vào cuộc. Họ lo ngại một lượng tiền khổng lồ sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Ant sau đó chuyển trọng tâm sang vai trò trung gian giữa các tổ chức tài chính và hàng trăm triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán của hãng. Nền tảng hiện bán quỹ tương hỗ cho hơn 20 nhà quản lý tài sản và hợp tác với khoảng 200 ngân hàng.
Cuộc 'đàn áp' hiện tại là lời nhắc nhở với doanh nhân Trung Quốc: 'Các vị có thể giàu có và sở hữu một công ty khổng lồ. Nhưng các vị phải chơi theo luật của chúng tôi'
- Ông Andrew Polk
Năm 2014, Alibaba thực hiện đợt IPO lớn nhất thế giới trên sàn New York. Cổ phiếu của tập đoàn tăng 38% chỉ trong ngày đầu tiên. Trả lời CBS News ngay sau đợt IPO, ông Ma tiết lộ cách đối phó với chính quyền Trung Quốc: "Đừng bao giờ làm ăn với chính phủ. Hãy yêu nhưng đừng cưới họ".
Tháng 1/2015, mối quan hệ giữa ông Ma và Bắc Kinh tiếp tục tệ hại đi. Trước cáo buộc bán hàng giả qua Internet từ cơ quan quản lý Trung Quốc, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba không ngần ngại chống trả.
Alibaba công khai thách thức kết quả điều tra và đệ đơn khiếu nại trưởng bộ phận phụ trách điều tra. Cuộc tranh chấp kết thúc chỉ sau vỏn vẹn một tuần, cơ quan quản lý phải rút lại báo cáo.
Nhưng thời thế đã thay đổi sau năm năm. Sau bài phát biểu của ông Ma hôm 24/10, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho các cơ quan quản lý của Trung Quốc điều tra Ant Group. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đề xuất các quy định quản lý tài chính mới và triệu tập Jack Ma.
Cuối cùng, Ant Group thông báo ngừng đợt IPO tại sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong hôm 3/11.
Số phận khó đoán
Hiện, các cơ quan quản lý, bao gồm Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính, đã thành lập một lực lượng đặc biệt nhằm giám sát Ant. Nhóm làm việc với ban lãnh đạo Ant để thu thập dữ liệu và tài liệu, nghiên cứu tái cơ cấu và soạn thảo thêm quy tắc cho ngành.
Tuy chưa có hướng dẫn cụ thể, Ant phải xem xét lại hoạt động kinh doanh, tuân thủ quy tắc mới và tăng cường giám sát. Trong quá trình này, gã khổng lồ fintech cần bổ sung hàng tỷ USD vốn. Ngoài ra, Ant có thể bị tước một trong hai giấy phép cho phép hoạt động các nền tảng tín dụng vi mô (microlending) là Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend).
Các tổ chức tín dụng cũng buộc phải báo cáo về những khoản cho vay đối với Ant. Trước đó, Ant chỉ giữ khoảng 2% khoản vay trên bảng cân đối kế toán. Phần còn lại được tài trợ bởi bên thứ ba.
"Fintech là ngành công nghiệp 'kẻ thắng ăn tất'. Với lợi thế độc quyền dữ liệu, các công ty công nghệ lớn có xu hướng cản trở cạnh tranh bình đẳng và thu lời quá mức", ông Guo Shuqing, quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu Trung Quốc, khẳng định.
Tuy nhiên, những thay đổi sắp tới có thể thu hẹp cơ hội hồi sinh IPO của Ant. Theo nguồn tin của Bloomberg, các giám đốc điều hành vẫn hy vọng về khả năng xoa dịu cơ quan quản lý và trở lại.
Trong khi đó, trái ngược với tính cách và thói quen, ông Ma vẫn im hơi lặng tiếng.
"Cuộc 'đàn áp' hiện tại là lời nhắc nhở của chính quyền với doanh nhân Trung Quốc: 'Các vị có thể giàu có. Các vị có thể có một công ty khổng lồ. Nhưng các vị phải chơi theo luật của chúng tôi", ông Andrew Polk, đồng sáng lập kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế tại Trivium China (Bắc Kinh), nhận xét.