Vì sao Chủ tịch Trung Nam Group bị tạm hoãn xuất cảnh?

Theo thông tin từ Cục Hải quan Khánh Hòa, đơn vị đã ban hành thông báo gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh, sinh năm 1973, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) từ ngày 06/05.

Thông báo nêu rõ ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 6/5 cho đến khi doanh nghiệp nộp đủ số tiền thuế còn thiếu.

Hiện tại, Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam đang nợ quá hạn hơn 21 tỷ đồng tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa. Do đó, cơ quan hải quan đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty này.

Văn bản của Cục Hải quan Khánh Hòa về đề nghị hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo Trung Nam Group

Nguyên nhân bị cưỡng chế là do Trung Nam không tuân thủ quyết định của Cục Hải quan Khánh Hòa về việc ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu và thông báo của Chi cục Hải quan Ninh Thuận về tiền thuế và tiền chậm nộp còn thiếu.

Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời gian 1 năm kể từ ngày 19/1 và sẽ chấm dứt khi số tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Trung Nam Group, thành lập năm 2004, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Sau 18 năm, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực chính gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin và điện tử. Tập đoàn được dẫn dắt bởi ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc. Từ năm 2018, Trung Nam Group mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo và đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này.

Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tại các công ty con của Trung Nam Group trong các dự án điện. Đặc biệt, có vấn đề liên quan đến việc mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai. Cụ thể, ngày 9/5/2014, Công ty mua bán điện và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 (983 đồng/kWh) quy định tại Quyết định số 8440/QĐ-BCT ngày 15/1/2013 của Bộ Công Thương.

Mặc dù EVN đã đề xuất tạm thanh toán theo mức giá trần quy định của từng năm (văn bản số 728/EVN – TTD ngày 2/3/2015), Bộ Công Thương vẫn chấp thuận mức giá tạm thời là 1.740 đồng/kWh, vượt khung giá quy định (văn bản số 3973/BCT-ĐTĐL ngày 23/4/2015). Điều này vi phạm quy định của Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, theo đó giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến một số dự án điện mặt trời và điện gió, khi các chủ đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện tài chính nhưng vẫn được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, có 2 dự án điện mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/vi-sao-chu-tich-trung-nam-group-bi-tam-hoan-xuat-canh-122879.html