Vì sao chưa đầu tư ngay đường Vành đai 5 qua Hà Nam?
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hà Nam trong việc huy động nguồn vốn, nghiên cứu phương án đầu tư để sớm khép kín đường vành đai trên địa bàn tỉnh Hà Nam khi có điều kiện về nguồn lực.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Hà Nam tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 1/2024.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được văn bản số 494/VPCP-QHĐP ngày 22/1/2024 của Văn phòng Chính phủ về xử lý kiến nghị của địa phương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1/2024, trong đó có kiến nghị của UBND tỉnh Hà Nam.
Liên quan đến nghị nghị đầu tư đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Vành đai 5 có chiều dài khoảng 36 km, quy mô 6 làn xe cao tốc, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam và từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, việc sớm đầu tư khép kín đường vành đai 5 nói chung và đoạn qua tỉnh Hà Nam nói riêng là cần thiết. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang đầu tư QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa quy mô 2 làn xe (13km), tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình quy mô 4 làn xe (8km) theo định hướng phân kỳ quy hoạch đường vành đai 5.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư một số tuyến cao tốc quan trọng, cấp bách và xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường vành đai 5 nói chung và các đoạn đường vành đai 5 qua địa bàn tỉnh Hà Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.
"Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hà Nam trong việc huy động nguồn vốn, nghiên cứu phương án đầu tư để sớm khép kín đường vành đai trên địa bàn tỉnh Hà Nam khi có điều kiện về nguồn lực", Bộ GTVT nêu rõ.
Đối với kiến nghị triển khai xây dựng các đường gom dọc đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, Bộ GTVT cho biết, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt, lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (Đề án) tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020.
Triển khai Đề án, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn trong các kỳ đầu tư công trung hạn để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt (đặc biệt là tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh), trong đó có các công trình xây dựng hàng rào, đường gom, xử lý lối đi tự mở tại các điểm đen về an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt.
Hiện nay, Bộ GTVT đang làm việc với các tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài để đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư các công trình bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Để từng bước xóa bỏ các lối đi tự mở, nâng cao an toàn giao thông đường sắt, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Nam triển khai các giải pháp đồng bộ đã nêu trong Đề án như: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các kiến thức pháp luật về đường sắt nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về đường sắt, góp phần bảo vệ đường sắt và phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt.
Quản lý, theo dõi, kịp thời có các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn, không phát sinh lối đi tự mở; tổ chức phân luồng giao thông nhằm giảm thiểu các phương tiện qua lại đường sắt tại các lối đi tự mở; bố trí lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ các quy định về giao thông đường sắt, đường bộ tại các lối đi tự mở.