Vì sao đào tạo lao động phải đúng và trúng nhu cầu doanh nghiệp?

Đào tạo lao động phải đúng, trúng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động đang là hướng đi mà nhiều cơ sở đào tạo đang hướng tới.

Hết thời đào tạo cho có

Đã có một thời gian, các doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ quan điểm ‘ngại’ tuyển dụng lao động trong nước, nhất là những vị trí lao động cấp cao. Nguyên nhân là bởi, tuyển dụng xong họ phải đào tạo lại ít nhất từ 3 đến 6 tháng mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Và trong vòng 3-6 tháng đó, doanh nghiệp phải mất thêm chi phí, thời gian để đào tạo lao động.

"Nhưng đến khi có kỹ năng thì người lao động thay vì gắn bó với công ty họ lại xin nghỉ việc để tìm một cơ hội tốt hơn" - đại diện một doanh nghiệp từng chia sẻ.

Nguồn lao động chất lượng cao sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Nguồn lao động chất lượng cao sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Trước thực trạng đó, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo thời gian gần đây đã thay đổi phương thức đào tạo trong chuơng trình giảng dạy, theo đó thay vì đào tạo cho có, họ sẽ hướng tới việc đào tạo nguồn lao động phải đúng và trúng với nhu cầu doanh nghiệp, đáp ứng ngay được nhu cầu nhà tuyển dụng.

Chia sẻ tại Hội thảo “Công bố các chuyên ngành trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế phát triển theo mô hình quốc tế” do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, ông Nguyễn An Thịnh - Trưởng Khoa Kinh tế phát triển - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Với mục tiêu sinh viên ra trường phải đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, Khoa Kinh tế phát triển đã tiến hành lựa chọn 4 nhóm tham gia vào cuộc khảo sát khi xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế phát triển, bao gồm: Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực kinh tế; giảng viên giảng dạy, nghiên cứu kinh tế học, kinh tế phát triển tại các trường đại học kinh tế; sinh viên đang tham gia chương trình đào tạo và cựu sinh viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo.

Đặc biệt, với mục tiêu sinh viên ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nhà nước… nên để đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của nhà tuyển dụng Khoa Kinh tế phát triển cũng lý hợp đồng giảng dạy với các giảng viên doanh nhân có bằng tiến sỹ.

"Tất cả các môn học của sinh viên đều được tích hợp vào chương trình giảng dạy của các giảng viên doanh nhân, nhằm hiện thực hóa các chương trình đào tạo” – PGS, TS Nguyễn An Thịnh khẳng định.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Ảnh minh họa

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Ảnh minh họa

Doanh nhân sẵn sàng tham gia đào tạo

Trước xu hướng mời doanh nhân tham gia quá trình đào tạo của một số cơ sở đào tạo, ông Lê Hoàng Hoán – Phó Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Việt cho rằng: "Để xây dựng, phát triển một đội ngũ người lao động trẻ tích cực, đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nếu nhà trường tổ chức chương trình giảng viên doanh nhân, tôi sẽ tình nguyện tham dự miễn phí. Thậm chí, sắp xếp những công việc khác lại để có thời gian tham gia chương trình, đối đáp với các bạn sinh viên, nhằm xây dựng một đội ngũ lao động thế hệ tương lai tích cực".

Cũng theo ông Lê Hoàng Hoán, việc các cơ sở đào tạo thay đổi chương trình đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn là cần thiết, vì trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi hàng ngày, thì các chương trình đào tạo cũng cần phát triển theo cho phù hợp với thực tiễn.

Cùng quan điểm trên, bà Đinh Thị Thúy – đại diện Công ty Cổ phần MISA cho rằng, hiện MISA đã và đang hợp tác với gần 600 trường đại học, cơ sở đào tạo trên toàn quốc để đào tạo miễn phí các chương trình cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ cho sinh viên có thể dễ dàng ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Đại diện MISA cũng cho biết, bên cạnh lý thuyết thì hoạt động thực tiễn trong các chương trình đào tạo cũng vô cùng quan trọng, do đó MISA sẵn sàng đón các đoàn sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp để giúp các bạn sinh viên nắm được thực tế hoạt động của một doanh nghiệp bên ngoài nó như thế nào, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Long – Ban Phát triển nguồn nhân lực – Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia xác định rõ, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế, nên hoạt động giáo dục đang được chú trọng. Hiện tại, NIC cũng có nhiều chương trình đào tạo mang tính chất sáng tạo, đó là phát triển nhân tài số do NIC phối hợp với Tập đoàn Google triển khai, thời gian tới NIC cũng muốn hợp tác với một số cơ sở đào tạo để tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế. Đồng thời tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo.

Đào tạo nguồn lao động đúng, trúng và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng là giải pháp giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, gia tăng cơ hội thu hút đầu tư và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cần được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; bên cạnh các kiến thức trong sách vở, người học cần được thực hành nhiều hơn, cũng như cần được trang bị thêm các kỹ năng mềm nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-dao-tao-lao-dong-phai-dung-va-trung-nhu-cau-doanh-nghiep-375152.html