Vì sao điện mặt trời mái nhà không được trả tiền khi phát lên lưới?
'Nếu mua, người dân sẽ lắp đặt nhiều. Khi đó, sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện', đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói về đề xuất gây tranh cãi những ngày qua.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tại dự thảo này, Bộ Công thương xin ý kiến về vấn đề điện mặt trời mái nhà tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện. Trường hợp phát điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Nếu không phát lên lưới, phía đầu tư phải tự lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.
"Nên giải thích để người dân thông cảm"
Trao đổi với Báo Giao thông nội dung đang xin ý kiến, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng Bộ Công thương đưa ra đề xuất nhưng không giải thích vì sao lại không cho phát lên lưới, và vì sao nếu phát lên lưới thì lại chỉ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
"Đáng ra, Bộ Công thương nên giải thích để người dân thông cảm, song thực tế lại không nói gì. Như vậy, người dân không hề thấy ưu tiên hay khuyến khích làm điện mặt trời mái nhà, mà còn thấy phức tạp hơn", ông Lâm băn khoăn.
Tuy nhiên, TS Ngô Đức Lâm cũng bày tỏ: "Tôi hiểu lý do vì sao người ta đề xuất như vậy. Các đề xuất đều phải theo luật, nếu đề xuất một chính sách nào đó không đúng luật thì cũng không được. Theo tôi, các chính sách đề xuất cho điện mặt trời bị vướng hai điều. Một là Luật Điện lực, hai là vướng quy hoạch điện VIII. Vì quy hoạch này đã được thông qua, không được làm trái".
Chuyên gia này phân tích Luật Điện lực vướng ở chỗ tất cả người đi bán điện dù 1 Kw cũng phải có giấy phép hoạt động điện lực, có nghĩa là phải đăng ký công ty, có báo cáo tài chính, mã số thuế… Nếu bán điện cho người nào thì phải có giấy phép hoạt động điện lực.
Còn trong quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà tới 2030 nối lưới được 2.600 MW. Thực tế bây giờ đã đạt con số này nên nếu thêm nhiều người đầu tư điện mặt trời mái nhà thì sẽ vượt công suất trong quy hoạch.
Với lập luận trên, ông Lâm cho rằng đề xuất này làm cho Bộ Công thương an toàn vì đúng luật. Tuy nhiên, ông Lâm bày tỏ quan điểm: "Nếu không thích hợp hoàn toàn có thể sửa, bởi lẽ khi đang thiếu điện, dân lắp điện mặt trời để sản xuất, lại không cho phát lên lưới, không được bán thì không hợp lý".
Ông Lâm cho rằng nếu vướng ở con số 2.600 MW thì phải tăng công suất này lên. Còn giấy phép điện lực, nên quy định ở mức độ nào thì mới cần, còn bán cho nhau với số lượng nhỏ thì không phải giấy phép.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý cần nhìn nhận khách quan. Nếu tất cả đều đua nhau làm điện mặt trời mái nhà và cùng phát lên lưới sẽ dẫn đến khả năng lưới điện không tải được. Đặc biệt là Nam Trung Bộ nếu đường dây quá tải sẽ không tải điện ra miền Bắc. Vì thế, phải có biện pháp để Nhà nước đầu tư thêm về nâng cấp đường dây.
Lưới quá tải nếu tất cả điện mặt trời mái nhà đẩy lên hệ thống
Từ các phân tích trên, ông Lâm cho rằng, Bộ Công thương cần phải dùng từ nào đó cho phù hợp với điện mặt trời mái nhà, không nên dùng từ "ưu tiên" vì những chính sách như vậy không hề ưu tiên, không mang lại cho người dân cơ chế nào đặc biệt, thậm chí gây tranh cãi, trong khi thiếu điện vẫn có khả năng xảy ra.
"Bộ Công thương nên có tính toán lại, phải có giải thích cặn kẽ, trình Chính phủ theo phương án nếu cho phép điện mặt trời mái nhà nối lưới thì khả năng lưới điện chịu được công suất bao nhiêu? Nhà nước có đầu tư được lưới nữa hay không, thay vì nói rằng phát lên lưới thì chỉ được ghi nhận giá 0 đồng. Nếu không thể tiếp nhận hay đầu tư thêm lưới điện, phải có cách nói để người dân thông cảm, không đầu tư nữa", ông Lâm góp ý.
Theo nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, nếu vẫn giữ nguyên đề xuất ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng thì sẽ hạn chế sự đầu tư vào điện mặt trời mái nhà. Vì khi đầu tư, ai cũng muốn rằng thừa điện sẽ được bán và thu tiền về. Nếu thừa không bán được thì đầu tư kém hiệu quả.
Thông tin với Báo Giao thông vì sao đưa ra đề xuất này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết chủ trương khi xây dựng cơ chế về điện mặt trời mái nhà là không mua điện dư thừa của các tổ chức, cá nhân lắp đặt.
"Nếu mua, người dân sẽ lắp đặt nhiều. Khi đó sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng", vị này nói.
"Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế khuyến khích, vậy khuyến khích ở đâu?", trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: "Chúng ta chỉ nói khuyến khích phát triển. Cho bám lưới đã là khuyến khích rồi. Vì hệ thống điện của các hộ lắp điện mặt trời mái nhà sẽ ổn định hơn khi được bám lưới".
Vị này cũng nhấn mạnh nếu tất cả nguồn điện này đẩy lên hệ thống thì lưới không chịu nổi. Các nhà máy khác phải giảm công suất để nhường cho nguồn điện này… Vấn đề nằm ở an toàn và ổn định của hệ thống điện, chứ không phải là vấn đề kinh tế.
Trước việc suất đầu tư điện mặt trời mái nhà khá lớn, không dùng hết sẽ không được mua lại, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo lưu ý tổ chức, cá nhân nên tính toán làm vừa đủ sản lượng tiêu thụ, hoặc ít hơn để chủ động và không lãng phí.
"Họ sẽ tính toán được sản lượng dùng bao nhiêu và nên lắp bao nhiêu. Điều này cũng dễ dàng", vị này nói.