Vì sao điện Thái Hòa 'mặc áo mới' nhưng vẫn được đánh giá cao?
Công trình trùng tu điện Thái Hòa nhận được nhiều khen ngợi bởi sự hoàn mỹ, cẩn trọng của công tác trùng tu di tích tại cố đô Huế.
Sau tròn 3 năm trùng tu tổng thể, công trình điện Thái Hòa tại Đại nội Huế (Thừa Thiên - Huế) đã hoàn thành và nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Trước thực trạng nhiều di tích sau khi trùng tu đã bị chỉ trích vì "làm mới di tích", nhưng công trình trùng tu điện Thái Hòa vẫn nhận được nhiều khen ngợi bởi sự hoàn mỹ của công tác trùng tu di tích tại cố đô Huế.
Theo ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế (đơn vị thực hiện trùng tu di tích), điện Thái Hòa tồn tại hơn 200 năm và là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay.
Điện Thái Hòa không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ tư liệu văn bản, nghệ thuật qua hệ thống văn thơ trên di tích theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vì vậy, quá trình trùng tu đã được thực hiện với sự cẩn trọng đặc biệt. Trong đó, mọi công đoạn đều được thực hiện theo quy trình đã được Hội đồng khoa học về trùng tu di tích thông qua, chịu sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư và công chúng.
Suốt 3 năm qua, để trùng tu điện Thái Hòa ở Đại nội Huế, hàng trăm nghệ nhân, thợ lành nghề của nhiều làng nghề truyền thống đã được tuyển "nhập cung".
Trong đó, thợ mộc được tuyển từ nghề mộc huyện Lý Nhân, Hà Nam; phục chế pháp lam là các kỹ sư, họa sĩ của Huế.
Đội ngũ sơn son thếp vàng, khảm sành sứ, phục chế các con giống rồng phụng trên nóc cũng là các nghệ nhân đã kinh qua công tác trùng tu hàng chục năm của Huế...
Theo ông Hành, trong quá trình hạ giải, tất cả các cấu kiện, vật liệu sau khi tháo dỡ đều được đánh dấu, phân loại và đưa vào bảo quản để tái sử dụng. Chỉ những cấu kiện gỗ, ngói bị hư hỏng, mục ruỗng, vỡ... không thể sử dụng mới được thay thế bằng các sản phẩm phục chế cùng loại.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đồng thời tiến hành scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập được từ bề mặt của công trình; sử dụng thiết bị drone để bay quét các kiến trúc bên trên, số hóa toàn bộ hình ảnh 3D điện Thái Hòa bằng hình ảnh chân thực để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ.
Có thể nói, công tác trùng tu điện Thái Hòa tuy gần như được làm mới, nhưng mọi công đoạn và quy trình kỹ thuật đều tuân thủ theo quy chuẩn, quy trình trùng tu đảm bảo giá trị nguyên gốc của di sản.
Khi trùng tu, hằng ngày đều có giám sát của các nhà chuyên môn; thực hiện bởi những thợ có tay nghề bậc cao, có kinh nghiệm về kiến trúc cung đình.
Công chúng Huế cũng rất quan tâm theo dõi... Nhờ vậy mà dù "mặc áo mới" nhưng điện Thái Hòa vẫn giữ được dáng xưa và có phần lộng lẫy hơn.