Vì sao điều chỉnh gần 31.400 tỷ đồng từ Bộ GTVT về 7 địa phương?
Việc điều chỉnh nguồn vốn trung hạn từ Bộ GTVT về địa phương thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội để triển khai hai dự án đường vành đai.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1012 bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 3).
Cụ thể, Quyết định đã điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 ngành giao thông của Bộ GTVT 31.396 tỷ đồng.
Đồng thời, điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương, gồm: TP Hà Nội là 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng, TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, số vốn trên được điều chỉnh để phục vụ triển khai các dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô.
“Việc điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT sẽ được điều chỉnh giảm từ hơn 303.700 tỷ đồng theo kế hoạch phân bổ ban đầu xuống còn hơn 272.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là hơn 241.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là gần 30.700 tỷ đồng”, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư thông tin.
Theo Nghị quyết số 56/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng; Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.
Việc triển khai dự án được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT giao về các địa phương.
Quốc hội cũng cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia dự án tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư.
Đối với dự án Vành đai 3 TP.HCM, theo Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 75.378 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng.
Dự án cũng được Quốc hội cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT giao về các địa phương để thực hiện dự án; Đồng thời, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.