Vì sao doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại

Các vấn đề liên quan đến cấu trúc tổ chức, tư duy quản trị và văn hóa doanh nghiệp là những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thất bại của quá trình chuyển đổi số, chứ không phải do công nghệ.

Chuyển đổi số về bản chất là chuyển đổi văn hóa

Chuyển đổi số về bản chất là chuyển đổi văn hóa

Mười năm trước, TS. Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click từng được mời cố vấn cho một doanh nghiệp đang gặp vấn đề sau một thời gian đầu tư cho công nghệ tiên tiến của nước ngoài để vận hành hệ thống. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai công nghệ mới họ liên tục gặp các vấn đề với máy móc và phải mời chuyên gia nước ngoài sang khắc phục. Mỗi lần như vậy, chi phí, công sức và thời gian bỏ ra không hề nhỏ.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, là thành viên độc lập HĐQT của một tập đoàn (giấu tên) cũng từng chứng kiến công ty này áp dụng công nghệ của nước ngoài khi triển khai chuyển đổi số nhưng không thành công.

“Vì nước ngoài vào không hiểu văn hóa Việt Nam nên áp dụng công nghệ thì từ lãnh đạo đến nhân viên không thực thi được”, ông Quốc Anh nói trong tọa đàm “Công nghệ tiên phong - Vận hành tối ưu” do Công ty CP MISA phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Không chỉ hai doanh nghiệp trên, dẫn báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022” của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Long cho biết, có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng. Chỉ 2,2% doanh nghiệp cho biết đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa.

“Rõ ràng, vấn đề lớn nhất không nằm ở công nghệ mà nằm ở mối quan hệ giữa công nghệ và vận hành”, ông Long nhận định.

Theo đó, nếu công nghệ thông theo kịp con người thì công nghệ khó phát huy hiệu quả, thậm chí là vô nghĩa. Ngược lại, nếu con người không theo kịp công nghệ thì chi phí sẽ rất cao vì chi phí ở phần chìm hỗ trợ cho công nghệ vận hành cao hơn nhiều so với tiền bỏ ra mua công nghệ.

“Nhiều lãnh đạo có tuổi nói rằng đã quen với vận hành cũ. Nhưng khi lao động genZ vào thấy làm kế toán bằng cách thủ công như trước đây thì sau một tuần họ xin nghỉ việc”, ông Long kể.

Theo Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư), có ba thách thức lớn nhất dẫn đến thất bại trong chuyển đổi số. Một là thiếu sự đồng thuận trong tổ chức và sự nhất quán, quyết liệt của lãnh đạo. Hai là khó khăn trong thay đổi thói quen, cách thức quản trị. Ba là thiếu nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với công nghệ.

Tương tự, 5 nguyên nhân thất bại lớn nhất trong chuyển đổi số được lãnh đạo OD Click chỉ ra theo thứ tự nằm ở các yếu tố: cấu trúc tổ chức, tư duy quản trị, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ và truyền thông nội bộ.

Do vậy, khi chuyển đổi số, con người và hệ thống, văn hóa doanh nghiệp cần có sự tương thích vì bản chất của chuyển đổi số là sự chuyển đổi về văn hóa doanh nghiệp.

TS. Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click

TS. Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click

Theo bà Đinh Thị Thúy , Tổng giám đốc MISA cho biết, nền kinh tế ngày càng khó khăn buộc các doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, tối ưu chi phí và tăng năng suất của đội ngũ lao động. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh là giải pháp được nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Xu hướng chuyển đổi số để “tìm cơ trong nguy” rộ lên những năm qua được các doanh nghiệp xem như chiếc phao cứu sinh và không ngừng săn lùng những công nghệ vừa tốt vừa hợp lý về mặt chi phí.

Tuy nhiên, họ lại quên, hoặc không biết được rằng khâu quản trị doanh nghiệp còn rất yếu, hệ thống chưa đủ khả năng tiếp nhận và tương thích với sự thay đổi nên chuyển đổi số không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây thêm vấn đề và sự lãng phí.

Đây cũng là thực trạng chung được các công ty công nghệ như Misa nhận thấy khi chứng kiến quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Trong những năm qua, chuyển đổi số là từ khóa, các doanh nghiệp nhắc đến rất nhiều nhưng trên thực tế, mức độ sẵn sàng vẫn còn rất thấp, từ văn hóa tiếp nhận sự đổi mới, kỹ năng nhân viên và hệ thống vận hành chưa thích ứng.

Mặc dù dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố cách đây khá lâu (2019) cho thấy Việt Nam đang xếp hạng cuối trong khu vực về kỹ năng số của lực lượng lao động, nhưng ông Long cho rằng, mức độ trưởng thành này đến nay vẫn còn thấp so với các quốc gia khác.

“Công nghệ tiên phong là bước thúc đẩy. Về lâu dài, bản chất thì văn hóa và con người đi trước chứ không phải công nghệ đi trước”, ông Long nhận định.

Tùng Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vi-sao-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-that-bai-1683974901503.htm