Vì sao doanh nghiệp gặp khó khi tiến hành kiểm kê khí nhà kính?

Theo chuyên gia, mặc dù giảm thiểu phát thải là yêu cầu bắt buộc nhưng doanh nghiệp lại đang gặp nhiều khó khăn trong kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Là một trong những quốc gia bị tác động của biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với tác động không mong muốn từ hiện tượng này như: Gia tăng tần suất mưa to, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn…

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Việt Nam đã đưa ra mục tiêu cam kết giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào 2050.

Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định số 06) ngày 07/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Tiếp theo đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục 1.912 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.

Quy định kiểm kê khí nhà kính khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ảnh minh họa

Quy định kiểm kê khí nhà kính khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp gặp khó về quy định kiểm kê khí nhà kính

Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đến nay, thực tế thế giới vẫn đang tiếp tục nóng lên. Tại Hội nghị COP 21 năm 2015, các nước đã thống nhất giữ cho nhiệt độ trái đất tăng tối đa 2 độ C, phấn đấu đạt 1,5 độ C trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, mới đây, Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc cho biết là nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 2,9 độ C trong thế kỷ này. Vào tháng 7/2023, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu rằng, giai đoạn ấm lên toàn cầu (Global warming) đã kết thúc và thế giới đang chuyển sang giai đoạn sôi lên toàn cầu (Global boiling).

Để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon và Net Zero có rất nhiều việc phải làm như chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng... Nhưng một trong những việc đầu tiên và xuyên suốt quá trình này là phải tính toán xem hiện nay chúng ta đang ở đâu. Do đó, kiểm kê khí nhà kính một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác trở thành yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy, sự công bằng, làm cơ sở cho việc tham gia vào các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

Hiện nay trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính như bộ tiêu chuẩn ISO 14064 hoặc tiêu chuẩn ISO 14067 về định lượng vết carbon, ISO 14068 về trung hòa carbon… Việc áp dụng các tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác cho báo cáo phát thải, báo cáo giảm nhẹ phát thải, báo cáo định lượng vết carbon... do các tiêu chuẩn này bao quát tất cả các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp.

Cơ sở để thực hiện kiểm kê khí nhà kính đã có, nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Chuyên gia đánh giá trưởng tại QUACERT, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong kiểm kê phát thải khí nhà kính. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc các đơn vị tư vấn chưa cung cấp đủ phương pháp thu thập dữ liệu một cách chính xác.

Doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn kiểm kê, tuy nhiên không thẩm tra lại kết quả kiểm kê. Bởi vậy, tính chính xác của báo cáo kiểm kê khó bảo đảm. Hoạt động kiểm kê không dựa trên tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 nên trong báo cáo kiểm kê không đầy đủ các nguồn. Tuyên bố về lượng khí nhà kính phát thải không đầy đủ và không theo chuẩn mực quốc tế”, ông Cường thông tin.

Cùng chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, không ít doanh nghiệp phải đối mặt với nỗi lo "cơm áo gạo tiền" trước khi nghĩ đến chuyện kiểm kê phát thải khí nhà kính hay chuyển đổi xanh.

Chưa kể, những quy định liên quan đến môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được một số thị trường ban hành và áp dụng ngày càng chặt chẽ, thậm chí cả những người làm trong ngành còn rất khó khăn tiếp cận các thuật ngữ, khái niệm chuyên môn. Thực tế này càng khiến cho doanh nghiệp vất vả và lúng túng trong việc tuân thủ các quy định.

Giải pháp nào?

Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có thể thấy lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần sớm có kế hoạch triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chia sẻ thêm, doanh nghiệp nên áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-1 vào hoạt động kiểm kê của mình. Đây là tiêu chuẩn Việt Nam hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó kết quả kiểm kê sẽ bao gồm tất cả các nguồn phát thải có thể tính toán, đo lường được. Còn để đáp ứng yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp chỉ cần kết xuất ra một báo cáo riêng, vẫn trên cơ sở dữ liệu từ kết quả kiểm kê theo tiêu chuẩn TCVN.

Khi đó doanh nghiệp sẽ có được con số toàn diện về lượng phát thải của mình và có cơ sở để định lượng vết carbon (hay dấu chân carbon) cho các sản phẩm của mình chính xác, tin cậy hơn, làm cơ sở cho việc tham gia trao đổi tín chỉ carbon sau này.

Ngày 27/12/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 38/2023/TT-BCT quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.

Theo đó, kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm thuộc ngành Công Thương bao gồm:

- Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng:

+ Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động đốt nhiên liệu trong quá trình sản xuất điện và tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

+ Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động phát tán từ khai thác khoáng sản.

- Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm:

+ Phát thải khí nhà kính trong các quá trình hóa học, vật lý không tiêu thụ năng lượng thuộc các ngành công nghiệp hóa chất, luyện kim;

+ Phát thải khí nhà kính là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh môi chất lạnh.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-doanh-nghiep-gap-kho-khi-tien-hanh-kiem-ke-khi-nha-kinh-339414.html