Vì sao doanh nghiệp vận tải phải bắt buộc có bộ phận theo dõi ATGT?

Quy định bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thành lập, duy trì bộ phận an toàn là rất cần thiết để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý từ sớm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Điều quan trọng là cách thức và giám sát thế nào để bộ phận này mang lại hiệu quả thay vì hoạt động cho có, hình thức.

Thanh tra giao thông TP. Hà Nội kiểm tra một trường hợp xe khách dừng, đỗ không đúng quy định

Thanh tra giao thông TP. Hà Nội kiểm tra một trường hợp xe khách dừng, đỗ không đúng quy định

Ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ dẫn đến TNGT

Luật Đường bộ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi ATGT. Thực hiện quy định này, Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe 4 bánh có gắn động cơ phải có bộ phận quản lý an toàn, xây dựng và thực hiện các quy định bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải; người lái xe phải kiểm tra đầy đủ điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tham gia giao thông. Theo cơ quan soạn thảo, các quy định này là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động vận tải, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguyên nhân và nguy cơ có thể dẫn đến TNGT.

Theo đó, bộ phận này có nhiệm vụ hằng ngày tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và các biện pháp quản lý khác của đơn vị, từ đó kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của lái xe liên quan đến ATGT; tập hợp các yêu cầu vận chuyển của khách hàng, tìm hiểu, nắm bắt các điều kiện về tuyến đường vận chuyển và các nội dung khác có liên quan đến ATGT.

Đặc biệt, trước mỗi chuyến đi, cán bộ quản lý an toàn phải kiểm tra giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện; giấy kiểm định; đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với xe tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với xe hợp đồng; giấy vận tải đối với xe vận chuyển hàng hóa. Đáng chú ý, phải kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra); lái xe phải kiểm tra đầy đủ điều kiện an toàn của phương tiện trước khi tham gia giao thông.

Khi xe đang hoạt động trên đường, bộ phận quản lý an toàn phải theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe, nhắc nhở ngay khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian lái xe và thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất ATGT khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất ATGT.

Khi lái xe kết thúc nhiệm vụ, bộ phận an toàn phải thống kê các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở lái xe vi phạm, báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình xe hoạt động trên đường; hàng tháng, quý, năm phải thống kê quãng đường phương tiện chạy làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình vận tải, số vụ, nguyên nhân, mức độ TNGT đã xảy ra của từng lái xe và của toàn đơn vị; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi xảy ra TNGT từ nghiêm trọng trở lên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho toàn bộ lái xe...

Thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra điều kiện phương tiện và người lái trước khi xe khách xuất bến

Thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra điều kiện phương tiện và người lái trước khi xe khách xuất bến

Hộ kinh doanh cá thể thực hiện thế nào?

Theo chuyên gia giao thông, ThS. Đỗ Cao Phan, trong bối cảnh các vi phạm liên quan đến chạy quá tốc độ, lái xe mệt mỏi, buồn ngủ do làm việc quá sức ngày càng nhiều, tình trạng vi phạm nồng độ cồn, ma túy vẫn còn tồn tại thì việc quy định bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thành lập, duy trì bộ phận an toàn là rất cần thiết để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý từ sớm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Đặc biệt, đây là nhóm các hành vi có thể gây TNGT ở mức nghiêm trọng trở lên. Vì vậy, không thể chỉ chờ vào sự vào cuộc kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng mà bản thân doanh nghiệp vận tải phải siết chặt kỷ luật, kiểm soát, nhắc nhở lái xe của đơn vị mình thực hiện nghiêm các quy định để quản lý rủi ro cho cả người lái và phương tiện.

Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2023, cả nước có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với 946.000 phương tiện vận tải khách và hàng hóa. Tuy nhiên, hiện có đến hơn 82% đơn vị vận tải hành khách có dưới 5 xe. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, định nghĩa kinh doanh vận tải bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể và thực tế đa số hộ kinh doanh cá thể chỉ có 1 - 2 xe, nhiều trường hợp chủ xe cũng chính là lái xe. Như vậy, khi có thêm một bộ phận theo dõi ATGT, đồng nghĩa chủ xe sẽ phải tốn thêm chi phí.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, các sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 18.123 phương tiện do vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên; chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 189.243 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, không truyền dữ liệu. Nếu các doanh nghiệp vận tải có bộ phận theo dõi ATGT, những vi phạm này chắc chắn sẽ không chiếm số lượng nhiều như thế.

Đây cũng là lo lắng chung của phần lớn đơn vị vận tải khách có quy mô dưới 5 xe. Bởi các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vận tải vốn được hình thành chỉ để hỗ trợ các cá nhân (là các chủ xe góp phương tiện, đóng phí gia nhập) thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin phù hiệu vận tải để hoạt động, còn phương tiện, con người vẫn thuộc quyền chi phối bởi chủ xe những người bỏ tiền ra đầu tư mua sắm phương tiện, chịu trách nhiệm chính trong chấp hành các quy định về giao thông, kinh doanh vận tải.

Thực tế, ngay từ năm 2014, Bộ GTVT đã có Thông tư 63 quy định bộ phận ATGT trong doanh nghiệp vận tải có các nhiệm vụ: Lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải của đơn vị; xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm ATGT; kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe tham gia hoạt động..., đặc biệt là quản lý, theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Tại Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT quy định thành lập bộ phận ATGT tiếp tục được nhắc lại và bổ sung nhiều quy định giám sát phương tiện trong quá trình hoạt động, đồng thời yêu cầu lái xe trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.

Quy định là vậy, song không ít trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã vẫn thờ ơ, bỏ qua hoặc thành lập bộ phận ATGT chỉ mang tính đối phó. Hệ quả là bộ phận này hoạt động không hiệu quả, thiếu chuyên môn và trang thiết bị, dẫn đến việc không thể kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho phương tiện khi tham gia giao thông.

Cho rằng các đơn vị nhỏ lẻ khó có nguồn lực thực hiện quy định này, đại diện một hiệp hội vận tải đề xuất, nên chăng chỉ quy định bắt buộc doanh nghiệp vận tải có từ 5 xe trở lên mới phải thành lập bộ phận theo dõi ATGT hoặc có thể nghiên cứu hình thành những bộ phận làm dịch vụ chung. Theo đó, cho phép đơn vị vận tải, nhất là những đơn vị nhỏ lẻ, ít phương tiện được thuê đơn vị giám sát ATGT. Các đơn vị này có thể chính là các hợp tác xã vận tải hoặc đơn vị hoạt động chuyên nghiệp và độc lập, cung cấp các dịch vụ như kiểm tra, giám sát về ATGT.

Bình Minh - Văn Huế

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/vi-sao-doanh-nghiep-van-tai-phai-bat-buoc-co-bo-phan-theo-doi-atgt-183241016095031069.htm