Vì sao đồng NDT giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua?

Giá đồng nhân dân tệ (NDT) giao dịch nội địa đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua so với đồng đô la Mỹ (USD), với 7,2488 NDT đổi 1 USD. Điều này một phần đến từ sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Nikkie Asia, việc Mỹ áp dụng mức lãi suất cao cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc nhằm nỗ lực kích thích kinh tế nội địa đã và đang gây áp lực lớn lên đồng NDT. Mặc dù thị trường giao dịch ngoại hối nội địa đang được Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) điều hành theo quy tắc cố định biên độ, tuy nhiên điều này cũng không giúp đồng NDT tránh khỏi việc suy giảm giá trị.

Đồng NDT trong nước đã suy yếu xuống mức 7,2488 NDT đổi 1 USD, vượt qua mức 7,2472 được thiết lập vào ngày 25/4 và chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong nỗ lực điều chỉnh tỷ giá, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ tỷ giá tham chiếu xuống 7,1106 NDT cho mỗi USD vào sáng thứ Tư, mức thấp nhất kể từ ngày 23/1. Việc hạ tỷ giá tham chiếu này khiến đồng NDT yếu đi. Theo đó, Đồng NDT trong nước được giữ giao động trong khoảng ±2% so với tỷ giá tham chiếu.

Đồng NDT ở nước ngoài không bị hạn chế bởi biên độ giao dịch, cũng giảm xuống 7,2667 đổi 1 USD vào thứ Tư, mức thấp nhất kể từ ngày 29/4, Nikkie Asia nhận định.

 NDT giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Ảnh BTC.

NDT giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Ảnh BTC.

Các nhà phân tích cho rằng sức mạnh của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực giảm giá lên đồng NDT, phản ánh sự đối lập trong chính sách tiền tệ giữa PBOC và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi FED thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất trong khi PBOC nới lỏng lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Ray Attrill - Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết "Có sự khác biệt giữa định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc".

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ và lạm phát dai dẳng khiến các nhà dự báo gặp khó khăn trong việc dự đoán liệu rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hay không. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết vào tháng 5 này lạm phát đang giảm chậm hơn dự kiến.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lạm phát ở mức cao tại Mỹ khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ (CSTT), cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm và 5 năm trong tháng 5. Tuy nhiên, PBOC đã thực hiện các biện pháp khác nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% cho năm 2024, đồng thời chống lại sự sụt giảm giá nhà ở. Vào tháng 5, PBOC đã loại bỏ mức lãi suất tối thiểu cho các khoản vay thế chấp, hạ tỷ lệ thanh toán tối thiểu (tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà ngân hàng phải giữ) và thiết lập một kế hoạch tài chính trị giá 300 tỷ nhân dân tệ nhằm khuyến khích chính quyền địa phương mua lại những căn hộ chưa bán.

Một số nhà phân tích kỳ vọng sẽ có thêm động thái nới lỏng trong năm nay, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, xác định tỷ lệ tối thiểu tiền gửi mà các ngân hàng phải giữ làm dự trữ.

Gary Ng - nhà kinh tế học cấp cao tại Natixis nhận định "Nếu như Mỹ không thực sự thể hiện lập trường ôn hòa hơn thì áp lực giảm giá đối với đồng NDT có khả năng sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa".

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vi-sao-dong-ndt-giam-xuong-muc-thap-nhat-trong-vong-6-thang-qua.html