Vì sao đứa trẻ ngoan ngoãn lúc nhỏ, lớn lên càng dễ gặp vấn đề tâm lý
Những người trưởng thành với sức khỏe tinh thần yếu đôi khi lại từng là những đứa trẻ ngoan ngoãn luôn nghe theo lời cha mẹ.
Đối với các bậc làm cha mẹ, chắc hẳn ai cũng muốn con của mình ngoan ngoãn và vâng lời - đồng nghĩa tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình nuôi dạy.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng một đứa trẻ quá ngoan ngoãn sẽ không có được sự phát triển toàn diện về nhân cách khi lớn lên.
“Những đứa trẻ ngoan ngoãn sẽ lớn lên thành những người lớn biết vâng lời. Họ ít có khả năng đứng lên bảo vệ bản thân và dễ bị lợi dụng hơn. Họ cũng có xu hướng chỉ làm theo mệnh lệnh mà không thắc mắc và không có ý thức trách nhiệm cao về hành động của mình ”, tiến sĩ tâm lý Laura Markham (Đại học Columbia) chia sẻ.
Đặc điểm tính cách của con người vốn đa phần hình thành từ những trải nghiệm ở thời thơ ấu và sự ngoan ngoãn, vâng lời của những đứa trẻ đôi khi lại là dấu hiệu cho những vấn đề tâm lý và sức khỏe tinh thần sau này.
Tư duy rập khuôn và văn hóa hiếu thảo
Câu chuyện của Doris Lam là một ví dụ điển hình về những tác động mà cách nuôi dạy của cha mẹ tạo nên các vấn đề về sức khỏe tinh thần của đứa con sau này.
Lớn lên trong một gia đình châu Á truyền thống với khái niệm về lòng hiếu thảo và sự “thương cho roi cho vọt” ăn sâu vào tiềm thức, bây giờ Lam đang phải lãnh hậu quả là sức khỏe tâm lý thiếu ổn định.
“Lúc nhỏ, tôi luôn cảm thấy sợ hãi khi rời khỏi căn phòng của mình”, cô hồi tưởng.
“Tôi biết rằng cha mẹ mình luôn chờ đợi sẵn phía bên kia cánh cửa với những lời la mắng vì những việc vô cùng nhỏ nhặt, như là chiếc khăn tắm phơi không đều hay chiếc thớt đặt không đúng chỗ. Một lỗi nhỏ thôi cũng đủ dẫn tới sự quát tháo nặng nề về việc tôi không phải là một đứa con gái ngoan”, Lam kể.
Cô cho biết, khi lớn lên, bản thân luôn cảm thấy áp lực trong việc làm vui lòng cha mẹ, đến nỗi đã vô thức kìm nén con người thật, tiếng nói riêng và ước mơ của mình để khiến cha mẹ hạnh phúc.
“Cho dù đó là việc loại bỏ quan điểm cá nhân về chủ đề tôi đam mê hay từ bỏ người mà tôi yêu thương do cha mẹ tôi không chấp nhận - cứ mỗi lần tôi đi ngược lại với lợi ích bản thân, một loạt các cơ chế phòng vệ không lành mạnh của lý trí trỗi dậy và tích tụ, khiến sức khỏe tinh thần tôi ngày càng suy yếu”, cô gái 26 tuổi chia sẻ về những ảnh hưởng của việc nuôi dạy lúc nhỏ lên con người cô bây giờ.
Sự vâng lời, ngoan ngoãn ở những đứa trẻ không phải hình thành tự nhiên mà do yêu cầu và sự dẫn dắt của cha mẹ.
Dạy cho trẻ nhỏ về lòng hiếu thảo - nghĩa vụ mà đứa con phải dành cho bậc sinh thành, trừng phạt khi chúng làm trái lời, cho chúng sự yêu thương khi làm theo lời, là cách mà phụ huynh hay sử dụng để có được sự ngoan ngoãn từ đứa con.
Lam cho biết, ước muốn làm vui lòng cha mẹ đã trở thành ưu tiên duy nhất của cô và điều đó vô tình bào chữa cho những hành vi gián tiếp gây tổn thương của họ, chỉ vì lòng hiếu thảo.
“Tôi ước mình có thể quay ngược thời gian lúc tôi còn 14 tuổi và cho cô bé ấy biết rằng cách mà cha mẹ đang nuôi dạy mình là sai lầm và đừng chỉ sống theo những gì họ nói”, Doris chiêm nghiệm.
Vậy một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời thì có vấn đề gì?
Theo các nhà tâm lý học, việc luôn đòi hỏi sự vâng lời từ đứa trẻ sẽ lấy đi tiếng nói nội tâm của chúng - thứ khi lớn lên sẽ giúp phân biệt được sự đúng, sai khi đưa ra quyết định.
Hoặc khi cha mẹ, người thân liên tục đưa ra quyết định cho con trẻ mà không cho chúng sự lựa chọn, đứa trẻ đó có thể phải lớn lên mà không có khả năng tự đưa ra quyết định và không thể đứng lên vì lợi ích của chính mình.
Những vấn đề về tâm lý và hành vi khi trưởng thành do ảnh hưởng trực tiếp từ cách nuôi dạy của cha mẹ có thể kể đến như:
- Trẻ nghe theo mọi yêu cầu của cha mẹ trở nên dựa vào người khác để đưa ra quyết định cho chính mình khi trưởng thành.
- Trẻ tin rằng sự vâng lời là cách duy nhất để có được sự yêu thương của cha mẹ, khi trưởng thành sẽ cho rằng cũng chính sự vâng lời là cách duy nhất giúp họ có được thành công trong cuộc sống.
- Trẻ bị ép buộc vâng lời sẽ không biết mình đang làm gì, đúng hay sai, không biết nghĩ cho bản thân, sẽ lớn lên thành một con người không biết đứng lên vì lợi ích chính mình.
- Trẻ bị ám ảnh phải làm hài lòng cha mẹ sẽ lớn lên với tiềm thức muốn làm hài lòng mọi người.
Theo nhà trị liệu tâm lý Elizabeth Earnshaw, những sự thiếu sót trong phát triển nhân cách là nguyên nhân chính khiến sức khỏe tinh thần của một con người không được vững mạnh.
“Những tác động của việc sức khỏe tinh thần bị tổn hại có thể xuất hiện ở bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn: trong các mối quan hệ, tại nơi làm việc, thậm chí khi ở một mình”.
Theo bà Earnshaw, những suy nghĩ sai lệch về giá trị bản thân, hội chứng tự làm tổn thương và nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực khác có thể xảy ra khi đứa trẻ trưởng thành và đối mặt với xã hội.
Vì vậy, những đứa trẻ nên được nuôi dạy để biết khi nào chúng phải vâng lời và khi nào chúng có thể thắc mắc về sự lựa chọn.
Thế giới này luôn có những thứ khiến trẻ con tò mò và liên tục đặt câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?” và việc không vâng lời lại là một trong những hành vi chính giúp có được câu trả lời cho những thắc mắc đó và giúp chúng trưởng thành.
Sau cùng, trẻ em không phải là người máy.
Có quan niệm rằng nuôi dạy một đứa con ngoan ngoãn và vâng lời là mục tiêu cuối cùng của bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, thay vì làm những gì ta nghĩ là tốt nhất cho đứa con của mình ở hiện tại, hãy cho chúng hành trang vững chắc vào tương lai: những kỹ năng, những sự lựa chọn, sự lắng nghe, chú ý và tình yêu thương từ trái tim.