Vì sao đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội vẫn chưa được thông tuyến?

Chiều nay (6/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đánh giá, đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông quốc gia rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Đây là một dự án được Quốc hội khóa XI, Quốc hội khóa XIII ban hành 2 nghị quyết để quyết định chủ trương đầu tư.

"Con đường mang tên Bác Hồ kính yêu đã trải qua mấy nhiệm kỳ Chính phủ triển khai chủ trương đầu tư. Cho đến nay, con đường đã hoàn thành được 86,1% kế hoạch, những đoạn hoàn thành đã hòa chung và vận hành cùng mạng lưới giao thông toàn quốc, góp phần phát triển KT-XH", nữ ĐB bày tỏ.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa XIII đã quyết định lộ trình thông toàn tuyến đường này vào năm 2020, song đến nay vẫn còn 171 km chưa đầu tư.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé

Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có kế hoạch thực hiện, có bố trí vốn nhưng có vẻ như đã quên đi một thời gian về việc ưu tiên đặc biệt cho dự án này. Các địa phương có dự án đi qua chưa quyết liệt, quyết tâm kiến nghị Trung ương đầu tư hoàn thành các đoạn còn lại.

Theo ĐB: "bà con nơi đây chờ mãi, rồi chờ mãi mà vẫn chưa thấy đường mới đi qua. Bản thân tôi đã đeo bám kiến nghị những đoạn đường này với mấy đời Bộ trưởng GTVT. Song đáng tiếc, tôi chưa thuyết phục được các vị lãnh đạo nên ý kiến của tôi vẫn chưa được tiếp thu".

Kể lại sự việc khi biết có đoàn khảo sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội khóa XV về nơi này nắm tình hình thực địa để Quốc hội tiếp tục cho chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, bà Bé cho biết bà con đã gửi gắm cho ĐBQH những tâm tư hết sức xúc động.

"Hãy cho chúng tôi con đường, một con đường đầy triển vọng, một con đường mơ ước của người dân, những vùng khó này để được thoát nghèo, để được phát triển, vươn lên....Đến giờ phút này, những người dân nơi đây rất xứng đáng được hưởng thụ niềm mơ ước đó", bà tha thiết mong tại kỳ họp này, Quốc hội có sự quyết tâm, đồng thuận cao để thông toàn tuyến.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phân tích mặt tồn tại trong thi công dự án đó là, một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong. Việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết.

ĐB Trần Văn Tiến

Về kế hoạch đầu tư giai đoạn sau năm 2020, ĐB Tiến cơ bản tôi đồng tình khi giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đầu tư 4 dự án thành phần đã xác định được nguồn vốn và 1 dự án thành phần chuyển tiếp với quy mô 2 làn xe. Còn một dự án thành phần đoạn từ Cổ Tiết đến Chợ Bến dài 87,5 km chưa có kế hoạch đầu tư, tiếp tục đầu tư 287 km đường cao tốc theo quy hoạch đã có chủ trương giai đoạn sau năm 2025, căn cứ vào quy hoạch, nguồn lực và nhu cầu giao thông, đầu tư khoảng 634 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, với kế hoạch này, ĐB "rất băn khoăn là tuyến đường mang tên Bác qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến và chưa rõ đến thời gian nào, Quốc hội khóa nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi".

Giải trình sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đồng tình với nhận định của các ĐBQH khi đường Hồ Chí Minh là con đường rất đặc biệt.

Giai đoạn 2000-2010, tiến độ dự án rất tốt; giai đoạn 2011-2015 đã bố trí một nguồn lực cũng rất lớn, trong đó có đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, khi đang triển khai nhưng xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 2008-2010, do đó Chính phủ được sự thống nhất của Bộ Chính trị để dừng, giãn rất nhiều các dự án nhằm kiểm soát lạm phát. Chính vì thế, giai đoạn 2011-2015 hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát. Trong 5 năm này hầu như không thực hiện được bao nhiêu.

Giai đoạn 2016-2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng, giãn và khi đó tập trung là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Chính vì thế, ông Thể cho biết, nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít. Từ năm 2011 đến năm 2020, với những lý do trên cho nên không có đủ nguồn lực.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng cũng khẳng định Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương rất quan tâm, người dân rất quan tâm, nhưng lý do chính đáng là nguồn lực rất hạn chế mà nhu cầu rất lớn, do đó một số đoạn tuyến triển khai chậm.

Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh đi vào các địa hình rất phức tạp, qua các khu vực địa chất khó khăn, thời tiết phức tạp, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ là giải phóng mặt bằng mà còn là vượt qua thời tiết, vượt qua địa hình.

Còn về chủ quan, Bộ trưởng GTVT cũng khẳng định là trách nhiệm chính vẫn là Bộ GTVT và một số bộ, ngành có liên quan trong công tác tham mưu với Chính phủ, tham mưu với Quốc hội để rà soát, bố trí vốn và trong một chừng mực nào đó.

Về nguồn vốn triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng GTVT cho hay, các tuyến cao tốc hiện nay được thực hiện theo Luật Đầu tư công, đã bố trí đủ nguồn vốn, sẽ không lặp lại như tình trạng thiếu vốn trước đây. Với sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và địa phương, thời gian tới, dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án sẽ có tiến độ tốt.

"Hiện đã bố trí vốn cho các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Ninh Thuận với nguồn vốn hơn 4.400 tỷ đồng. Bộ GTVT mong muốn các địa phương đồng hành, xong trước giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành dự án trước năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đã đến lúc cần nghiên cứu đầu tư đường Hồ Chí Minh theo đúng quy hoạch. Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ xây dựng kế hoạch để trong giai đoạn 2026-2030 tập trung nguồn lực nâng cấp, mở rộng tuyến đường này và đầu tư các tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-duong-ho-chi-minh-qua-5-khoa-quoc-hoi-van-chua-duoc-thong-tuyen-2027354.html