Vì sao gạo bán ra thị trường thường được đánh bóng?
Mục tiêu chính của việc làm bóng là để hạt gạo dễ bảo quản và làm tăng mỹ quan cho gạo.
Mới đây, doanh nhân Lương Hoàng Anh, người từng bị Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phạt hành chính 12.5 triệu đồng vì thông tin sai sự thật về Tỏi Lý Sơn, lại khiến các nhà sản xuất chế biến gạo bức xúc vì những chia sẻ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo đó trên Facebook cá nhân với hơn 71 ngàn người theo dõi, bà Lương Hoàng Anh chia sẻ: “Nôn dễ sợ, không biết giống gạo dinh dưỡng mới này có được đón nhận không. Làm gạo dinh dưỡng thì đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe, nhưng sợ không cạnh tranh với gạo thị trường được về hình thức. Vì không cho thuốc thì nhìn sẽ không trắng bóng được và bảo quản không kỹ sẽ nhanh bị mối mọt. Nhưng yên tâm cả gia đình mạnh khỏe".
Một bài đăng khác vào chiều 14-8 của bà Hoàng Anh cũng tự tin giới thiệu gạo dinh dưỡng Organicare “không dùng thuốc đánh bóng để hạt gạo đẹp” do “tui quyết tâm phải tự sản xuất gạo để ăn”.
Hiện những bài đăng này đã được bà Hoàng Anh xóa, song các chia sẻ trên nhanh chóng gây bức xúc trong một nhóm kín khá lớn về lúa gạo trên Facebook, về việc gạo bóng là do sử dụng thuốc.
Liên quan tới vấn đề này, TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết mục tiêu chính của việc làm bóng là để hạt gạo dễ bảo quản và làm tăng mỹ quan cho gạo, để hạt gạo được đẹp hơn và nấu thành cơm nhìn ngon mắt hơn. Mặc dù việc đánh bóng này cũng khiến phôi, vỏ cám - nơi chứa phần lớn các chất dinh dưỡng của gạo không còn, và chỉ còn tinh bột.
Tuy nhiên theo TS Sô trên thực tế gạo được coi là chất cung cấp năng lượng là chính, vì dinh dưỡng của gạo không phải yếu tố quyết định hết hàm lượng dinh dưỡng của cơ thể, hàm lượng dinh dưỡng của gạo không đáng kể so với nguồn dinh dưỡng từ các thực phẩm khác.
“Ngoài ra hiện nay ngành chế biến gạo của Việt Nam đã tiệm cận được với thế giới, do đó có rất nhiều máy móc thiết bị hiện đại giúp làm trắng bóng hạt gạo, chứ không phải dùng thuốc men gì”- TS Sô khẳng định.
Cũng theo vị này, nếu như có dùng thuốc thì cũng là các loại thuốc chống mốc, mọt… nhưng nếu người sản xuất sử dụng các loại thuốc được Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp& phát triển nông thôn cấp phép thì không có gì là trái pháp luật cả.
Liên quan đến phát ngôn của bà Hoàng Anh, TS Sô thông cảm và cho biết đây chỉ là quan điểm cá nhân của người ngoài ngành, do đó không nên vì mục tiêu phục vụ bán hàng mà phát ngôn thiếu cẩn trọng, thiếu hiểu biết về cách bảo quản chế biến gạo, làm ảnh hưởng đến toàn ngành.
Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định rõ nghiêm cấm hành vi quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
Việc đưa thông tin so sánh “gạo dinh dưỡng” với “gạo thị trường” có dấu hiệu vi phạm quy định này. Theo điểm b khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-gao-ban-ra-thi-truong-thuong-duoc-danh-bong-post694113.html