Vì sao ghế đại sứ Mỹ tại Ukraine bị bỏ trống?

Tổng thống Joe Biden đã trì hoãn việc cử đại sứ tới Ukraine, một địa điểm khủng hoảng hàng đầu, suốt 13 tháng qua. Nhiều nhà ngoại giao cho rằng điều này rất khó để chấp nhận.

Trong khi Ukraine đang đứng trước nguy cơ bị tấn công, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao Tổng thống Joe Biden, sau hơn một năm nắm quyền, vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ ở thủ đô Kyiv.

Cả chính quyền Biden và chính phủ Ukraine đều chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng cho sự chậm trễ này - điều khiến các nhà ngoại giao cho là không thể chấp nhận được, đặc biệt khi đánh giá mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.

 Tòa Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kyiv, Ukraine. Ảnh: AFP.

Tòa Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kyiv, Ukraine. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của một đại sứ chuyên trách có thể giúp làm hòa dịu các mối quan hệ khó xử, đã nảy sinh giữa chính quyền Biden và chính phủ Volodymyr Zelensky, mặc dù Ukraine vốn phụ thuộc rất nhiều vào Washington trong việc đối phó với Nga.

Nhưng dường như các quan chức Ukraine cũng không “háo hức” tiếp nhận một đại sứ từ ông Biden.

Lời đề nghị còn bỏ ngỏ

Khoảng hai tháng trước, truyền thông đưa tin ông Biden đã đề cử một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bà Bridget Brink, làm tân Đại sứ Mỹ tại Ukraine.

 Hình ảnh bà Bridget Brink, người được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Ảnh: Getty Images.

Hình ảnh bà Bridget Brink, người được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Ảnh: Getty Images.

Mỹ đã gửi thông tin của bà Brink cho chính phủ Ukraine để xem xét và phê duyệt theo thông lệ ngoại giao. Các quan chức Biden rất mong muốn Kyiv sẽ thông qua để có thể đệ trình bà lên Thượng viện Mỹ.

Trong chuyến thăm đến Kyiv hôm 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói rằng ông mong đợi "đề cử (đại sứ mới) sẽ được xúc tiến nhanh chóng".

Tuy nhiên, hiện chưa rõ vì sao chính phủ Ukraine vẫn chưa phê duyệt đề nghị tiến cử bà Brink. Không có gì lạ khi chính phủ nước chủ nhà dành vài tuần để xem xét một đại sứ tiềm năng. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng thời gian thường không kéo dài như vậy, đặc biệt khi họ kỳ vọng Ukraine sẽ "hoan nghênh" sự quan tâm nhiều hơn từ Mỹ.

Đại diện của Bộ Ngoại giao Ukraine và Đại sứ quán Ukraine ở Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Hoạt động đối ngoại giữa hai nước chủ yếu được tiến hành thông qua chánh văn phòng Andriy Yermak, người thường xuyên liên lạc với cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan. Có thể người Ukraine thích giữ mối liên hệ này theo cách đó.

Mặt khác, trong những năm gần đây, các quan chức Ukraine dường như không có "thiện cảm" với các đại sứ Mỹ. Họ liên tục đưa ra các tuyên bố và yêu cầu những cuộc họp để khiển trách giới tinh hoa Ukraine về vấn đề thị trường và những thất bại trong điều hành đất nước.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng một đại sứ Mỹ ở Ukraine cũng khiến các chuyên gia tỏ ra lo ngại.

“Việc không có một đại sứ Mỹ tại Ukraine trong thời điểm khủng hoảng là điều đáng lo ngại và đáng tiếc. Đó có thể được coi là một tín hiệu cho thấy chúng tôi (Mỹ) không quan tâm", ông Eric Rubin, người từng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Kyiv những năm 1990, cho biết.

Vị trí gây tranh cãi

Vị trí đại sứ Mỹ tại Ukraine bị bỏ trống kể từ năm 2019, khi cựu Tổng thống Donald Trump sa thải bà Marie L. Yovanovitch - người gần nhất đảm nhiệm chức vụ này.

Hành động nằm trong chuỗi diễn biến về sau dẫn đến một cuộc điều tra liên bang, góp phần khiến ông Trump lần đầu tiên bị Quốc hội luận tội với cáo buộc lạm dụng đòn bẩy chính sách đối ngoại đối với Ukraine, vì mục đích chính trị.

Với mục đích “đe dọa” ông Biden trước cuộc bầu cử năm 2020, cựu Tổng thống Trump đã lợi dụng viện trợ quân sự của Mỹ để gây áp lực, buộc Tổng thống Ukraine Zelensky điều tra Hunter Biden - con trai thứ hai của ông Biden.

Người này từng làm việc cho một công ty năng lượng Ukraine, theo lời khai trong phiên điều trần.

 Vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraine bị bỏ trống kể từ năm 2019. Ảnh: Getty Images.

Vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraine bị bỏ trống kể từ năm 2019. Ảnh: Getty Images.

Trước đó, vào tháng 4/2019, luật sư riêng của ông Trump, Rudolph W. Giuliani, đã thuyết phục cựu tổng thống sa thải bà Yovanovitch, sau khi nhà ngoại giao này phản đối nỗ lực của ông Giuliani nhằm đào bới quá khứ của Hunter Biden.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Hunter Biden đã có hành vi sai trái. Sau đó, ông Trump đã phủ nhận cáo buộc và được tuyên trắng án trong phiên điều trần tại Thượng viện.

Vào thời điểm đó, một số quan chức Ukraine cũng ủng hộ việc sa thải bà Yovanovitch, vì sự tập trung của bà vào các sáng kiến chống tham nhũng đe dọa lợi ích của họ.

Tuy nhiên, Ukraine cũng chỉ là một trong số hàng chục nước, nơi chức vụ đại sứ Mỹ vẫn chưa được lấp đầy. Trong khi các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đã đình trệ nhiều đề cử của ông Biden trong nhiều tháng, Nhà Trắng vẫn chưa gửi thêm đề cử mới.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ghe-dai-su-my-tai-ukraine-bi-bo-trong-post1295699.html