Vì sao giá gia cầm giảm mạnh?

Từ sau Tết, giá gà liên tục giảm. Đặc biệt, sau khi dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều địa phương cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 càng làm cho giá gà giảm sâu.

Giá gia cầm xuống thấp, người dân càng nuôi càng lỗ nặng

Giá gia cầm xuống thấp, người dân càng nuôi càng lỗ nặng

Tái đàn lợn gặp nhiều khó khăn sau dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khiến nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh chuyển sang nuôi các loại gia cầm.

Người nuôi đành bán giá thấp

Từ ngày toàn bộ đàn lợn bị tiêu hủy do DTLCP, ông Vũ Văn Dũng ở thôn Tư Đa, xã Minh Hòa (thị xã Kinh Môn) chuyển sang nuôi 1.000 con vịt đẻ với mong muốn khôi phục chăn nuôi để có thêm thu nhập. Tuy nhiên từ sau Tết, giá trứng vịt luôn ở mức thấp và tiếp tục giảm sâu. Trứng loại to hiện chỉ còn từ 1.800 - 2.000 đồng/quả, giảm từ 500 - 700 đồng/quả so với một tháng trước. Với giá này, ông Dũng đang bị thua lỗ. "Trước đây, giá trứng rẻ nhưng chưa tới mức thua lỗ, hàng vẫn bán ra thường xuyên nhưng hiện trứng rất khó tiêu thụ. Gia đình tôi phải nhờ anh em, họ hàng, làng xóm tiêu thụ giúp, phần còn lại thì mang bán lẻ tại các chợ", ông Dũng nói.

Hơn chục ngày nay, trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng (Thanh Hà) luôn tấp nập khách đến mua. Giá gà xuống thấp nên anh buộc phải bán lẻ đàn gà cho các hộ quanh vùng với giá rất rẻ. Nguyên nhân do dịch Covid-19, nhà hàng, quán xá đóng cửa nên việc tiêu thụ gà rất chậm. "Trước đây, với 30.000 con gà, tôi chỉ bán trong 2 - 3 ngày nhưng nay kéo dài gần nửa tháng mà bán chưa hết. Thậm chí tôi buộc phải bán phá giá với mức 45.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường. Với giá bán này, cứ 1.000 con gà tôi lỗ khoảng 5 triệu đồng", anh Hữu nói.

Từ sau Tết, giá gà liên tục giảm. Đặc biệt, sau khi dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều địa phương cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 càng làm cho giá gà giảm sâu. Hiện giá gà thịt trên thị trường chỉ còn 50.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn phải bán vì càng nuôi kéo dài càng bị lỗ nặng. Khi đã đạt trọng lượng xuất bán, nếu chờ thương lái đến thu mua sẽ tăng chi phí thức ăn trong khi trọng lượng không tăng. Nếu chỉ cho ăn cầm chừng gà xuống mã, chưa kể đến nguy cơ dịch bệnh do đàn gà bị giảm sức đề kháng. Vì thế, đa phần các hộ chăn nuôi buộc phải bán lẻ thay vì chờ thương lái.

Hậu quả của việc tái đàn ồ ạt

Chị Vũ Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn cho biết: "Năm 2019, DTLCP bùng phát nên phần lớn đàn lợn của địa phương bị tiêu hủy. Sau khi dịch bệnh qua đi, nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi gia cầm vì vốn đầu tư ít và an toàn hơn so với chăn nuôi lợn. Hiện tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt hơn 1 triệu con, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước".

Sau khi chịu ảnh hưởng bởi DTLCP, hầu hết các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi chưa nên tái đàn lợn. Để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt do DTLCP, tỉnh đã có chủ trương khuyến khích các hộ phát triển đàn gia cầm và đại gia súc nên trong lúc chờ dịch đi qua, nhiều hộ chuyển đổi sang nuôi gà, vịt càng làm cho đàn gia cầm tăng đột biến. Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng đàn gia cầm trong toàn tỉnh hiện đạt khoảng 13 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 9,9 triệu con gà, tăng 6,4%. Ngoài nguồn cung tại thị trường nội địa tăng mạnh, lượng gà nhập khẩu về nhiều với giá rẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới giá gà giảm mạnh.

Để tránh cảnh tiếp tục phải "giải cứu'" gia cầm, các địa phương cần rà soát số lượng tổng đàn, thông báo tới người chăn nuôi để chủ động phương án sản xuất cho phù hợp với thị trường. Người chăn nuôi nên căn cứ vào tín hiệu thị trường để tái đàn, không nên chăn nuôi theo phong trào. Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất gia cầm theo quy hoạch, không phát triển tràn lan.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/vi-sao-gia-gia-cam-giam-manh-133579