Vì sao giảng viên ngại đăng ký bằng sáng chế?
Trường đại học là cái nôi sáng tạo tri thức và công nghệ mới, nhưng số lượng đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là bằng sáng chế rất thấp.
Giảng viên, nhà khoa học không mấy mặn mà đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vì sao?
Số lượng bằng sáng chế khiêm tốn
Chuyên môn sâu về nhiên liệu sinh học, PGS.TS Nguyễn Đình Quân - Trưởng phòng Thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM đã gửi gần 10 hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế. Tất cả đang trong giai đoạn chờ thẩm định nội dung.
Ông Quân cho biết, nhiều giảng viên, nhà khoa học trong các trường đại học không mặn mà với việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế (dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích – PV) bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, hiện các trường đại học chưa có cơ chế về tài chính, phần thưởng động viên, khuyến khích giảng viên, nhà khoa học đăng ký bằng sáng chế. Muốn có bằng sáng chế, giảng viên phải tự “bơi”, từ khâu làm hồ sơ, đến lệ phí đăng ký và chờ đợi trong nhiều năm mới có kết quả.
Thứ hai, tâm lý “ngại” đăng ký sáng chế bởi những yêu cầu khắt khe trong điều kiện cấp bằng độc quyền sáng chế như tính mới, trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp… “Trong khi đó, bằng sáng chế này dùng vào mục đích gì lại chưa rõ, ít nhất với giảng viên trong trường đại học. Lấy được bằng sáng chế khó hơn làm bài báo khoa học, do đó, nhiều người sẽ tập trung viết báo khoa học”, PGS Quân lý giải.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo không chính quy, Trưởng Bộ môn Điện tử công nghiệp - Y sinh, Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) có cùng lý giải như PGS Quân khi nói về số lượng bằng sáng chế hiện chiếm tỷ lệ thấp trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học.
Theo ông, các đại học lớn trên thế giới đều có bộ phận sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp, hỗ trợ đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đăng ký bằng sáng chế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giảng viên, nhà khoa học phải tự làm việc này, hoặc nếu có sự hỗ trợ cũng rất khiêm tốn. Phần lớn trường đại học chưa thành lập được tổ chức có chức năng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học.
“Câu hỏi quan trọng nhất là sáng chế để làm gì? Chẳng lẽ chỉ làm đẹp lý lịch khoa học, khi các sáng chế đó không gắn liền với hoạt động thương mại? Nếu không mang lại lợi ích, giảng viên, nhà khoa học đầu tư cho việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để được gì?”, ông Hải đặt vấn đề.
Thực trạng số lượng sáng chế đăng ký và được cấp bằng sáng chế ở các trường đại học còn thấp cũng thể hiện qua một số báo cáo của các trường tại Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, được Bộ GD&ĐT tổ chức ở TPHCM hồi giữa tháng 3/2024.
Chẳng hạn, trong năm 2023, Trường Đại học Cần Thơ có số lượng đề tài, dự án nghiên cứu khoa học là 648 (42 quốc tế) với tổng kinh phí 140 tỷ đồng, công bố khoa học 1.933 bài báo (667 Scopus/WoS). Trong khi đó bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích là 6 (14 hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, trong đó 9 quyết định chấp nhận đơn).
Báo cáo của Phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Cần Thơ cũng nhìn nhận, sản phẩm nghiên cứu khoa học được xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn rất thấp. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2023, trường có 1.015 công bố khoa học ISD/Scopus và 728 công bố khác. Song số lượng bằng sở hữu công nghiệp được cấp là 26.
Gắn với thương mại hóa
Một lãnh đạo cấp phòng về quản lý khoa học tại trường đại học TPHCM cho biết, mấu chốt của vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gắn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích với thương mại hóa, doanh nghiệp. Chỉ khi nào doanh nghiệp nhận ra lợi ích sản phẩm sáng chế, nghiên cứu khoa học cho lợi ích kinh tế, họ mới có động lực đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, hầu hết trường đại học tập trung vào công tác đào tạo, chưa mạnh ở khâu liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học hay phát minh, sáng chế. Do đó, ngay cả khi nghiên cứu sau khi đã được cấp bằng sáng chế vẫn trong tình trạng “đắp chăn”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đề xuất các trường cần có cơ chế để khuyến khích nhà khoa học, giảng viên đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần siết chặt các quy định để bảo vệ quyền lợi của nhà khoa học khi có bằng sáng chế. “Ở nhiều nơi, các quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ chưa được tôn trọng. Do đó, nhà khoa học cũng mất động lực để đăng ký bảo hộ”, PGS Hải cho biết.
PGS.TS Nguyễn Đình Quân (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) cũng cho rằng, cần gắn chặt việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu khoa học với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Một số chuyên gia khác đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, liên kết, hợp tác với trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) chỉ ra rằng, thiếu chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học cũng có thể làm giảm động lực cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Sự không chắc chắn về việc bảo vệ và thương mại hóa ý tưởng sáng tạo có thể làm mất lòng tin và ngăn chặn các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-giang-vien-ngai-dang-ky-bang-sang-che-post682402.html