Vì sao giáo viên cấp THCS mong muốn định mức tiết dạy bằng với THPT?

Giáo viên cấp Trung học cơ sở dạy nhiều hơn giáo viên cấp Trung học phổ thông 02 tiết/ tuần là chưa hợp lý bởi 2 cấp học này có nhiều điểm tương đồng với nhau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên cổng thông tin và đã khảo sát ý kiến giáo viên trên phần mềm Temis. Nội dung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận về dự thảo Thông tư, cũng có những ý kiến trái chiều nhau giữa các cấp học. Trong đó, có ý kiến tranh luận về định mức giảng dạy của giáo viên cấp Trung học cơ sở (19 tiết/ tuần) và giáo viên Trung học phổ thông (17 tiết/ tuần).

Có nhiều ý kiến cho rằng giáo viên cấp Trung học cơ sở dạy nhiều hơn giáo viên cấp Trung học phổ thông 02 tiết/ tuần là chưa hợp lý bởi 2 cấp học này có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có ý kiến cho rằng như vậy là hợp lý vì kiến thức cấp Trung học phổ thông nặng hơn.

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Mỗi cấp học đều có những khó khăn riêng

Một số giáo viên cấp Trung học cơ sở chia sẻ rằng: “Trước khi dạy ở cấp Trung học cơ sở, bản thân chúng tôi cũng đã dạy ở cấp Trung học phổ thông nhiều năm. Việc kiến thức của cấp Trung học phổ thông nặng hơn kiến thức cấp Trung học cơ sở là đương nhiên, không có gì bàn cãi.

Nhưng, kiến thức yêu cầu cao hơn không có nghĩa là người thầy làm việc vất vả hơn vì kiến thức phổ thông ấy không phải quá tầm với một giáo viên đã đào tạo chuyên sâu 1 chuyên ngành trong 4 năm học đại học.

Vì vậy, càng dạy kiến thức chuyên sâu hơn ở cấp Trung học phổ thông càng giúp cho thầy cô ở cấp học này phát huy khả năng của mình và được truyền đạt cho học sinh hết những điều mà bản thân đã được trang bị trong quá trình đào tạo ở trường đại học”.

Nhiều giáo viên đánh giá, dạy ở cấp Trung học cơ sở thì áp lực hàng ngày lớn hơn cấp Trung học phổ thông rất nhiều. Áp lực ở đây không phải là kiến thức giảng dạy hàng ngày mà những áp lực ngoài chuyên môn. Điều này ở cấp Trung học phổ thông ít gặp.

Đối với giáo viên cấp Trung học phổ thông- cho dù vẫn có những học sinh học yếu nhưng ít nhất cũng đã qua một kỳ sàng lọc của kỳ thi (xét) tuyển sinh 10 nên đối tượng học sinh yếu, kém (không biết gì) về cơ bản không đáng kể.

Nhưng, cấp Trung học cơ sở thì những đối tượng học sinh yếu, kém không hiếm. Thậm chí có nhiều trường hợp cá biệt mà báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh bởi học sinh khi vào học ở cấp Trung học cơ sở đa phần hiện nay không qua thi chuyển cấp nên đúng tuyến, đúng tuổi là các em vào học.

Học sinh Trung học cơ sở luôn được đánh giá là lứa tuổi khó dạy nhất, điều này những thầy cô học sư phạm đã được học về tâm lí lứa tuổi sẽ rõ hơn ai hết. Thực tế, năm lớp 7, lớp 8 là cái tuổi dậy thì, học sinh có nhiều em “nổi loạn” về tính cách. Lúc này, người thầy không đơn thuần là vào lớp để dạy mà còn phải “dỗ”, uốn nắn các em khá vất vả.

Trong khi, giáo viên Trung học phổ thông dạy trên lớp được tiếp cận với những học sinh đã qua “sàng lọc” và các em đang trưởng thành nên những hành vi về tâm lý ổn định, phát ngôn cũng chuẩn mực hơn rất nhiều so với cấp Trung học cơ sở. Hơn nữa, đây là cấp định hướng nghề nghiệp nên phần nhiều học sinh lo lắng, tập trung cho việc học.

Đó là chưa kể, giáo viên ở cấp Trung học cơ sở ở những vùng khó khăn còn thường xuyên phải đi vận động học sinh bỏ học; hoặc có nguy cơ bỏ học. Việc làm này, giáo viên cấp Trung học phổ thông ít gặp.

Ngoài ra, nhiều thầy cô ở cấp Trung học cơ sở còn gắn liền với công tác phổ cập. Năm nào cũng phải hỗ trợ nhà trường làm công tác phổ cập nhiều lần- việc này cấp Trung học phổ thông cũng gần như không có.

Bên cạnh đó, số tiết tối đa ở cấp Trung học phổ thông là 105 tiết/năm/môn/lớp nhưng cấp Trung học cơ sở có nhiều môn lên đến 140 tiết. Thậm chí, chương trình 2006, môn Ngữ văn lớp 9 có 175 tiết/ năm/lớp.

Vì thế, việc soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên nhiều môn cấp Trung học cơ sở có phần nặng nề hơn giáo viên cấp Trung học phổ thông.

Giáo viên Trung học phổ thông nếu dạy 2 khối đối với môn nhiều tiết thì cũng chỉ có 210 tiết nhưng giáo viên Trung học cơ sở những môn nhiều tiết như Ngữ văn là trên 300 tiết (chương trình 2006) và gần 300 tiết (chương trình 2018).

Suy cho cùng, giáo viên mỗi cấp học đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Nhưng, nếu nói công việc của giáo viên Trung học cơ sở “nhẹ hơn” công việc của giáo viên Trung học phổ thông thì chưa hoàn toàn chính xác.

Nên thống nhất số tiết định mức của giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông

Việc Bộ lấy ý kiến về quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông hiện nay là điều phù hợp khi mà ngành giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều điểm mới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng dự thảo Thông tư vẫn để quy định giáo viên Trung học cơ sở dạy 1 tuần 19 tiết, trong khi giáo viên Trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần sẽ là điều chưa đồng nhất với nhau.

Thứ nhất: Nhìn từ thực tế đào tạo ở các trường đại học sư phạm hiện nay, giáo viên Mầm non; giáo viên Tiểu học được đào tạo riêng từng cấp học. Nhưng, giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được đào tạo chung chuyên ngành ở các trường đại học sư phạm.

Hiện nay, chỉ có một số ít trường sư phạm đào tạo 2 môn học mới: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý là dành riêng cho cấp Trung học cơ sở. Còn lại, tất cả các chuyên ngành ở 2 cấp học này được đào tạo như nhau.

Một bộ phận giáo viên Trung học cơ sở trước đây học cao đẳng sư phạm những năm qua gần như đã hoàn thiện về văn bằng, họ cũng đều có bằng đại học hoặc trên đại học. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 hướng dẫn tất cả các văn bằng đều có giá trị như nhau (không phân biệt hình thức đào tạo).

Hơn nữa, khoảng 15 năm nay, phần nhiều những giáo viên được tuyển dụng vào dạy ở cấp Trung học cơ sở đều tốt nghiệp đại học sư phạm (hệ chính quy)- giống như giáo viên Trung học phổ thông.

Thứ hai: các hoạt động chuyên môn của cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông phần nhiều là cùng thực hiện những văn bản chỉ đạo chung của Bộ. Về đề kiểm tra cơ bản là giống nhau về cấu trúc; số lượng lần kiểm tra thường xuyên và định kỳ giống nhau.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học trò ở 2 cấp học cũng cùng thực hiện 1 văn bản như nhau. Thời gian số tiết dạy của 2 cấp học cũng giống nhau (đều 45 phút).

Hơn nữa, theo cơ cấu tổ chức ở Phòng Giáo dục Trung học (sở Giáo dục), 1 chuyên viên sẽ phụ trách cả 2 cấp học đối với môn của mình phụ trách.

Thứ ba: phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) của giáo viên cấp Mầm non; Tiểu học; Đại học mỗi cấp cho mức ưu đãi khác nhau. Chỉ riêng cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều nhận mức ưu đãi bằng nhau, cùng hưởng 30%.

Thế nhưng, giáo viên cấp Trung học cơ sở dạy mỗi tuần 19 tiết; giáo viên Trung học phổ thông mỗi tuần dạy 17 tiết- đây là một điều chưa thực sự phù hợp với đặc điểm công việc và mức độ khó của giáo viên từng cấp.

Vì thế, giáo viên Trung học cơ sở mong muốn khi Bộ ban hành chính thức Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học thì định mức giảng dạy hàng tuần của giáo viên Trung học cơ sở bằng với định mức tiết dạy của giáo viên Trung học phổ thông- cùng 17 tiết/ tuần.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Thế Trung

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-giao-vien-cap-thcs-mong-muon-dinh-muc-tiet-day-bang-voi-thpt-post244332.gd