Vì sao giáo viên vất vả dạy trẻ học Tiếng Việt 1?
Giáo viên cho rằng chương trình mới đang xây dựng trên nền tảng học sinh đã nhận biết chữ cái. Do đó, nếu vẫn cấm dạy chữ trước, cô và trò đều vất vả để theo kịp chương trình.
fNăm nay thay sách mọi miền
Chương trình khá nặng, giáo viên quay cuồng
Tăng ca liên tục ở trường
Ra chơi, cuối tiết tăng cường rèn thêm...
Những dòng tâm sự của cô Lê Duyên (giáo viên tiểu học ở Bắc Ninh) nhận được sự đồng cảm của nhiều đồng nghiệp cũng như phụ huynh.
Trong năm đầu tiên bắt đầu chương trình sách giáo khoa mới, họ đối mặt, đau đầu với những đứa trẻ chán chường vì học nhiều cùng nỗi lo con không thể lên lớp của phụ huynh.
Nhịp độ nhanh hơn khả năng tiếp thu của học sinh
Chia sẻ với Zing, cô Lê Duyên đính chính thực ra nói chương trình nặng không hẳn đúng vì mục tiêu cuối cùng của lớp 1 vẫn như trước - học sinh đọc thông viết thạo.
Tuy nhiên, cô cho rằng nhịp độ học nhanh hơn khả năng tiếp thu của học sinh. Cụ thể, với bộ sách Cùng học để phát triển năng lực mà cô đang dạy, mỗi ngày, học sinh học 2-3 âm, cùng với đó, số lượng câu nhiều, bài đọc dài hơn so với chương trình trước đây.
Chương trình mới đang xây dựng trên nền tảng học sinh đã biết viết, thậm chí thành thạo - giáo viên Lê Duyên
Ở chương trình cũ, mỗi ngày học Tiếng Việt, tức hai tiết, các em chỉ cần nắm hai âm mới cùng với 4 từ đơn giản và một câu ngắn gọn.
Trong khi đó, với sách mới, bài đọc dài, khoảng 3 câu. Chưa kể đến, việc học các âm ghép như “nh”, “ng” hay “ngh” được đẩy lên đầu.
“Chương trình cũ đi chậm, chắc. Chương trình mới lại yêu cầu học trò thông thạo từ đầu”, cô Duyên so sánh.
Theo cô, với buổi học 40-80 phút, học sinh đọc một câu sẽ dễ nhớ hơn đọc cả bài. Như hiện tại, bài tầm 3 câu. Giáo viên không thể chỉ cho đọc một câu, bỏ qua phần còn lại.
Việc phải đọc nhiều trong một ngày khiến học sinh nhớ không hết. Dồn ngày này qua ngày khác, cả cô, trò lẫn phụ huynh cảm thấy nặng nề.
Dạy theo sách Cánh diều song cô Thanh Lê (giáo viên tiểu học ở Nghệ An) đồng ý rằng việc phải đọc bài dài ngay từ đầu khiến học sinh lớp 1 mệt mỏi.
Ngoài ra, theo sách, cứ hai bài đọc, học sinh mới có một bài viết lồng ghép nội dung cả hai bài. Như vậy, trong một buổi tập viết, các em phải viết đến 4 chữ, hai tiếng, hai từ. Cô Thanh Lê cho rằng khối lượng kiến thức, bài tập như vậy là nặng đối với học sinh lớp 1.
Cô N.T. (giáo viên tiểu học ở Lâm Đồng) cũng cho rằng nhịp độ dạy học đang nhanh, dẫn đến học sinh tiếp thu không kịp.
Với sách Tiếng Việt của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, chưa đến một tháng, học sinh đã học gần xong bảng chữ cái. Trong khi theo quy định, các em không học chữ trước khi vào lớp 1.
Mỗi ngày học 2-3 âm, hôm sau lại học tiếp trong khi thời gian dành cho việc tập viết không nhiều. Do đó, các em khó nhớ kỹ chữ cái đã học.
“Với những em kiến thức như tờ giấy trắng, lượng học như vậy quá lớn. Các em học đến chữ cái này, quên mất chữ cái trước. Do đó, sắp tới, khi bước sang học vần, cô trò còn vất vả hơn”, cô N.T. chia sẻ.
Nên cho học sinh học chữ trước
So sánh giữa năm nay với năm ngoái, cô N.T. cho rằng sách theo chương trình cũ tốt hơn. Với sách đó, học sinh được làm quen chữ cái từ đầu.
Các em học từng chữ một, tập chép chữ cái rồi mới sang đến đọc, viết. Trong khi đó, với sách mới, ngay khi học phần âm, trò đã phải luyện viết theo tiếng. Ví dụ, học âm “h”, các em viết chữ “hộ”.
Những bạn không đi học thêm theo không kịp. Giáo viên phải chú ý kèm cặp riêng, các em mới không tụt lại nhiều - giáo viên N.T.
Thêm vào đó, cô N.T. cho rằng sách mới có phần đọc chưa hay, khó phát huy tính tích cực của học sinh.
Dù chương trình đi nhanh hơn khả năng tiếp thu của học sinh, nữ giáo viên thẳng thắn thừa nhận lớp vẫn đi kịp tiến độ do phần lớn được gia đình kèm cặp trước hoặc cho đi học thêm khi chưa vào lớp 1.
“Những bạn không đi học thêm theo không kịp. Giáo viên phải chú ý kèm cặp riêng, các em mới không tụt lại nhiều”, cô N.T. nói.
Cô Lê Duyên và cô Thanh Lê cũng cho rằng nếu không học chữ trước, học trò sẽ trải qua thời gian đầu của lớp 1 rất vất vả.
Cô Lê Duyên lý giải chương trình mới đang xây dựng trên nền tảng học sinh đã biết viết, thậm chí thành thạo. Theo cô, việc dạy học sinh viết như ý muốn chỉ sau vài buổi là điều không thể.
Cô Duyên nêu quan điểm nếu vẫn dạy theo chương trình hiện tại, ngành giáo dục cần thay đổi từ bậc mầm non. 5 tuổi, trẻ cần được dạy bảng chữ cái, nhen nhóm cách đánh vần, tập viết.
Như hiện tại, bộ quy định không dạy chữ cho học sinh mầm non, trẻ chỉ vui chơi. Vào lớp 1, học sinh phải học nhiều, đột ngột, thiếu sự chuyển giao dẫn đến “ngộp”.
Cùng quan điểm, cô Thanh Lê cho rằng bộ nên đưa việc dạy chữ vào chương trình mầm non. Giáo viên mầm non cần được tập huấn để biết cách dạy học sinh nhận biết chữ, ly, dòng, nét, đặt bút viết và kết thúc chữ ở chỗ nào. Sau đó, khi lên lớp 1, các em học âm, vần, ghép nét dễ hơn.
Nếu không dạy từ mầm non, cô Thanh Lê đề xuất bộ cho phép giáo viên tiểu học dạy các lớp hành trang vào lớp 1 hoặc trong chương trình có hai tuần trống như Công nghệ giáo dục.
Khoảng thời gian đó, giáo viên rèn nề nếp cho học sinh, uốn nắn tư thế ngồi, dạy các em biết về ly, dòng, nét. Như thế, học trò mới không phải học nhiều đột ngột, dẫn đến sợ học như tình trạng hiện nay.
Cô nói thêm lớp cô dạy có 34 học sinh, 1/3 trong số đó đã biết chữ do học trước. Với những em này, cô yên tâm hơn nên có thể dành thời gian để kèm cặp các em còn yếu.
Ngoài ra, các em cũng hỗ trợ bạn học theo hình thức “đôi bạn cùng tiến”. Nhờ đó, cô trò mới theo kịp chương trình dù vẫn vất vả.
“Tôi thấy nếu lớp có một nửa đã học, nửa chưa biết gì, may ra các em sẽ theo kịp. Nếu tất cả đều là ‘tờ giấy trắng’, cô trò và phụ huynh rất vất vả”, cô Thanh Lê cho hay.
Đừng tạo áp lực cho trẻ
Tuy nhiên, việc nhiều học sinh chưa được học chữ trước khi vào lớp 1 là “sự đã rồi". Do đó, giáo viên tiểu học phải tìm cách xoay xở cho giai đoạn đầu khó khăn.
Với cô N.T., dù bộ cấm giao bài tập về nhà cho học sinh nếu đã học hai buổi ở trường, cô đành bất chấp quy định. Nếu không học viết thêm, các em càng khó nhớ hết mặt chữ trong một tháng.
Trong khi đó, cô Thanh Lê đã nêu những vướng mắc, góp ý của mình để tổ chuyên môn gửi lên phòng GD&ĐT và chuyển lên nhà xuất bản, người chịu trách nhiệm về cuốn sách.
Ngoài ra, sau khi tập huấn chương trình mới, nhận thấy việc luyện viết còn ít, các giáo viên đề xuất có thêm vở luyện viết để học sinh viết thêm sau khi viết trên bảng con, tránh trường hợp dồn hai buổi học mới luyện viết một lần.
Tuy nhiên, để hiệu quả, cách làm này cần đến sự phối hợp từ phụ huynh. Họ cần kiểm tra, cho con luyện viết nốt nếu chưa hoàn thành ở lớp.
Trong tuần, cô Thanh Lê ít giao bài tập nhưng cuối tuần giáo viên luôn chủ động liên hệ, hướng dẫn phụ huynh kèm con học ở nhà. Lớp cũng lập nhóm chat, tăng tương tác giữa giáo viên và gia đình trong quá trình dạy chữ cho trẻ.
Cô Lê Duyên cũng cho rằng với chương trình mới, phụ huynh là một phần của việc dạy con. Sách giáo khoa cũng có phần ghi “dành cho giáo viên và phụ huynh”.
Cha mẹ học sinh cũng có thể truy cập sách giáo khoa điện tử để dạy kèm cho con.
Cô khẳng định với chương trình mới, mỗi lớp lại đông học sinh, giáo viên khó sát sao hết, phụ huynh lơ là việc học của con, trẻ rất khó theo kịp nhịp độ học.
Tuy nhiên, cô Duyên lưu ý phụ huynh không nên nóng vội. Trẻ mới vào lớp 1, chưa quen với việc học, tiếp thu chậm là chuyện bình thường. Cha mẹ nên kiên nhẫn, tránh nổi nóng khiến con áp lực và chán, sợ học.
“Người lớn thường nghĩ tiếng Việt dễ nhưng việc học viết đối với trẻ không theo kịp sẽ thiếu thú vị. Bố mẹ thấy con học chậm lại nóng vội, mắng, gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ”, cô tâm sự.
Theo cô, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, có nhiều cách dạy, không nhất thiết phải dựa vào sách giáo khoa. Hơn nữa, chữ viết cũng là một dạng hình ảnh, trẻ tiếp xúc nhiều sẽ nhớ.
Với kinh nghiệm dạy học của mình, cô Lê Duyên khẳng định trẻ chỉ khó khăn ở giai đoạn đầu. Sau 1-2 tháng, các em quen. Những bạn tiếp thu chậm, thời gian sẽ lâu hơn. Song sau cùng, mục tiêu của lớp 1 chỉ là học sinh biết đọc, viết, không quá nặng nề.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn lo sợ con họ không thể lên lớp 2. Với nỗi lo này, cô Thanh Lê chia sẻ câu chuyện của chính học trò mình.
Cô cho biết cậu bé này lực học kém hơn bạn cùng lớp, không thuộc bảng chữ cái, cầm bút còn rung, sợ học. Qua tìm hiểu, cô mới biết một phần do gia đình mặc định cháu không biết gì, dẫn đến trẻ có tâm lý mình không thể đọc, viết.
Cô đã phải trực tiếp trao đổi với cha mẹ học trò, để họ thay đổi, tránh áp đặt suy nghĩ con dốt hay gây áp lực lên con.
“Nếu trẻ thực sự kém, tôi vẫn khuyên phụ huynh ở lại lớp là phương án tốt. Nhưng nếu phụ huynh trên cũng như những bậc cha mẹ khác kiên nhẫn khi dạy con, phối hợp với giáo viên để trẻ tiến bộ, không gây căng thẳng quá, con sẽ lên lớp được”, cô Thanh Lê chia sẻ.
Bạn có ý kiến gì về chủ đề Dạy Tiếng Việt 1 cho trẻ? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-giao-vien-vat-va-day-tre-hoc-tieng-viet-1-post1136638.html