Vì sao gọi Luang Prabang của Lào là thị trấn 'ngừng trôi'?

Lọt top 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới theo Tạp chí du lịch CN Traveller, Luang Prabang vẫn gìn giữ được vẻ đẹp của vùng đất hàng trăm năm tuổi.

Luang Prabang mang vẻ đẹp bình yên với diện tích chỉ khoảng 25ha. Trái ngược với sự sôi động của Vientiane, thị trấn như một ốc đảo thanh bình được bao bọc bởi những dãy núi hùng vĩ cách xa thủ đô khoảng 425km về phía Bắc.

Không chỉ thu hút bởi cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, Luang Prabang còn nổi tiếng với nền lịch sử lâu đời. Nơi đây từng là thủ đô của vương quốc Lào trong nhiều thế kỷ, lưu giữ các công trình đền đài, chùa chiền cổ kính được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa.

Cố đô Lào cổ kính với khung cảnh hữu tình - Ảnh: The Third Pole

Cố đô Lào cổ kính với khung cảnh hữu tình - Ảnh: The Third Pole

Đặt chân đến đây, điểm ấn tượng đầu tiên “đập” vào tầm mắt chính là vẻ thanh bình, êm đềm như một chốn ẩn mình tách biệt khỏi cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Nổi bật giữa lòng thị trấn là ngọn núi đá vôi Phou Si đồ sộ mà hữu tình. Đứng trên đỉnh núi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Luang Prabang với những mái ngói đỏ rực rỡ ẩn hiện giữa rặng dừa xanh mát và dòng sông Mekong trong vắt uốn lượn.

Wat Xieng Thong là “ngôi chùa vàng” đẹp nhất Luang Prabang - Ảnh: Carl & Sasha

Wat Xieng Thong là “ngôi chùa vàng” đẹp nhất Luang Prabang - Ảnh: Carl & Sasha

Luang Prabang có hơn 40 ngôi chùa từ nhiều triều đại khác nhau và chúng mang những nét riêng khá độc đáo. Wat Visoun - ngôi chùa cổ kính nhất ra đời từ thế kỷ XVI nổi tiếng có kiến trúc truyền thống Lào và các bức tranh tường miêu tả câu chuyện Phật giáo. Wat Ma cũng được xây dựng cùng giai đoạn này với nhiều tượng Phật chạm khắc tinh xảo…

Bên trong chùa là những bức tranh tường chạm khắc tinh xảo - Ảnh: Jorge Láscar

Bên trong chùa là những bức tranh tường chạm khắc tinh xảo - Ảnh: Jorge Láscar

Cũng bởi vì vậy hình ảnh các nhà sư mang áo cà sa hành Lễ Khất thực (hay còn gọi là Tak Bat) trở nên rất thân thuộc. Mỗi sáng sớm, họ sẽ đi theo từng đoàn dài qua các con đường để ban phước và nhận thức ăn người dân nâng lên. Các Phật tử quan niệm hình thức này là cách để thể hiện lòng thành kính, hướng thiện và cầu mong an lành cho bản thân và gia đình.

Khất thực trở thành một nghi lễ mang đậm giá trị văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo của cố đô nói riêng và xứ Triệu Voi nói chung.

Lễ Khất thực diễn ra trên các con phố chính ở Luang Prabang, đặc biệt là khu vực quanh chùa - Ảnh: Getty Images

Lễ Khất thực diễn ra trên các con phố chính ở Luang Prabang, đặc biệt là khu vực quanh chùa - Ảnh: Getty Images

Khác với không khí êm ả ban ngày, nhịp sống khi về đêm ở Luang Prabang lại trở nên nổi sôi và náo nhiệt hơn. Những ánh đèn từ các nhà hàng, quán bar và khách sạn ven sông bắt đầu rực rỡ. Nhiều hoạt động văn hóa như biểu diễn múa Lào truyền thống, nhạc sống… cũng sẽ được tổ chức vào thời điểm này.

Chợ đêm Luang Prabang tọa lạc tại trung tâm thành phố, dọc theo con phố chính Sisavangvong - Ảnh: Facts.net

Chợ đêm Luang Prabang tọa lạc tại trung tâm thành phố, dọc theo con phố chính Sisavangvong - Ảnh: Facts.net

Một trải nghiệm đặc sắc khác là chợ đêm Luang Prabang, “thiên đường mua sắm” với vô số quầy hàng bày bán quà lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức và các món ăn đường phố thơm ngon. Không chỉ vậy, du khách còn có cơ hội tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân bản địa. Nhiều đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa như Lự, H'Mông cũng sẽ kéo về đây buôn bán và giao lưu.

Thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… được bày bán từ chiều đến tận khuya - Ảnh: Ekrem Canli

Thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… được bày bán từ chiều đến tận khuya - Ảnh: Ekrem Canli

Chần chừ gì mà không thêm Luang Prabang vào danh sách những điểm đến lý tưởng phải khám phá? Chưa kể, người dân ở đây lại rất thân thiện và mến khách. Họ luôn nở nụ cười trên môi và sẵn lòng giúp đỡ bạn.

Văn Tân

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-goi-luang-prabang-cua-lao-la-thi-tran-ngung-troi-ar876815.html