Vì sao gói tín dụng nhà ở xã hội giải ngân chậm?
Chất vấn về lĩnh vực ngân hàng vào sáng 6/11 tại Quốc hội, đại biểu đặt vấn đề cử tri và nhân dân kỳ vọng lớn ở gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tuy nhiên, đến nay con số giải ngân đang rất thấp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, sau gần 8 tháng triển khai, đến nay, các ngân hàng mới chỉ giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành. Tiến độ giải ngân của gói tín dụng này còn chậm.
Lý giải về nguyên nhân tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn chậm, Thống đốc NHNN cho rằng: “Nguồn cung về nhà ở thuộc đối tượng của chương trình còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng nhu cầu của người dân quyết định đi vay vốn để mua nhà ở xã hội là cả một câu chuyện khác, người dân đang hết sức cân nhắc. Không chỉ vậy, điều kiện đối tượng được thụ hưởng chính sách để mua nhà ở xã hội cũng được nhiều ý kiến cho rằng còn chưa phù hợp với thực tế như thu nhập phải không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; đối tượng người mua phải có quyết định chưa có nhà ở...” . Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có những kiến nghị và rất mong các UBND tỉnh, thành cần sớm công bố các dự án nhà ở thuộc chương trình trên để hệ thống ngân hàng có thể tích cực triển khai.
Về điều hành tăng trưởng tín dụng để tiến tới xóa bỏ chỉ tiêu tín dụng, Thống đốc cho biết, đây là một trong những giải pháp điều hành của Ngân hàng nhà nước sau khi đã phối hợp kết hợp với các công cụ chính sách khác.
Một số đại biểu cũng nêu tình trạng sau một thời gian bị kìm nén, hiện nay tín dụng đen vẫn còn đất sống, len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở vùng thành thị, thậm chí một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Làm rõ vấn đề này Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định để triển khai hành động, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn sáng nay liên quan đến các bất cập trong lĩnh vực đầu tư công. Cụ thể, việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn ODA hiện đang rất chậm.
Giải pháp để quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả; việc thực hiện Nghị quyết 74 của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ trước Quốc hội.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy vai trò dẫn dắt, đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, phát triển kinh tễ xanh bền vững, dịch vụ chất lượng cao.
Cuối giờ chiều nay, Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế ngành thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-sao-goi-tin-dung-nha-o-xa-hoi-giai-ngan-cham-201969.htm