Vì sao Gustav Đại đế thất bại?

Trước sự xuất hiện của ông, Thụy Điển chưa từng được xem là một cường quốc. Nhưng sau triều đại ngắn ngủi mà rực rỡ của Gustav Adolf Đại đế (1594 - 1632), đất nước với màu cờ xanh cùng chữ thập vàng ấy đã thực sự vụt sáng, điền tên mình vào hàng ngũ liệt cường châu Âu.

Chiến tranh Ba mươi năm

Diễn ra từ năm 1618 đến năm 1648, đó là một giai đoạn lịch sử đầy tao loạn không thể bỏ qua trong lịch sử cựu lục địa. Cuộc chiến này vừa có yếu tố chiến tranh tôn giáo, khi các thế lực Kháng cách/Tin Lành (Protestant) nổi dậy va chạm dữ dội với các thế lực Thiên Chúa giáo La Mã (Roman Catholic); vừa là cuộc tranh giành quyền lực giữa dòng họ Hoàng gia Habsburg (lúc đó đang trị vì cả Tây Ban Nha lẫn Áo - Hung, và nắm ngôi Hoàng đế của Thánh chế La Mã của người Đức) với những hoàng tộc khác. Nghĩa là trên hết và trong sâu thẳm, Chiến tranh Ba mươi năm xảy ra từ các xung đột không thể hàn gắn, cả về quyền lực, tư tưởng lẫn lợi ích.

Trong cuộc chiến ấy, giai đoạn từ năm 1630 đến năm 1635 được giới nghiên cứu lịch sử phương Tây) gọi là "Giai đoạn Thụy Điển". Quãng thời gian này kế tiếp "Giai đoạn Đan Mạch: 1625-1629", và gắn liền với tên tuổi của Gustav Adolf Đại đế.

Các tác giả cuốn "Văn minh phương Tây" (Civilazation in the West) mô tả ngắn gọn: "Rất thông minh, mạnh khỏe và xuất sắc về mọi mặt, Gustav Adolf (trị vì từ 1611 đến 1632) đã khuất phục được giới quý tộc Thụy Điển hỗn loạn; tổ chức được một chính quyền hữu hiệu và một nền kinh tế vững vàng; học chiến thuật của người Hà Lan, để rồi chứng tỏ rằng mình và quân đội của mình đủ sức thách thức cả người Nga lẫn Ba Lan, bằng cách chiếm một vùng duyên hải phía nam biển Baltic".

Chừng đó, dĩ nhiên, là quá sơ sài để người đọc có thể hình dung về tầm vóc vĩ đại của Gustav Adolf. Tuy vậy, có lẽ cũng chỉ cần thêm một số dữ kiện - thí dụ như trước triều đại của ông, vị trí bá chủ khu vực Bắc Âu-Scandinavia luôn thuộc về kình địch Đan Mạch; hay chuyện trong "Giai đoạn Thụy Điển" ấy, ông giúp đất nước của mình trở thành quốc gia có diện tích lớn thứ ba châu Âu (sau nước Nga và Tây Ban Nha của nhà Habsburg) - những ý niệm có lẽ sẽ được khắc họa dễ dàng hơn rất nhiều.

Cha đẻ của đế quốc Thụy Điển.

Cha đẻ của đế quốc Thụy Điển.

Vào thời điểm Gustav Adolf đưa Thụy Điển tham chiến, phe Protestant đang thất thế trước Thánh chế La Mã cùng các lực lượng thuộc Liên đoàn Thiên Chúa giáo. Song, có đoàn quân Thụy Điển của ông (với sự hỗ trợ nhiệt tình của nước Pháp - "trưởng nữ của Giáo hội Vatican", nhưng lại được lãnh đạo bởi Tể tướng Hồng y Richelieu đầy mưu mẹo đang muốn kìm hãm họ Habsburg để xây dựng bá quyền cho họ Bourbon), thế cờ đã nhanh chóng lật ngược.

Từ phương Bắc tiến sâu xuống châu Âu lục địa, Gustave Adolf mang theo những đoàn quân hùng mạnh (và cực mạnh về pháo binh) bao gồm cả người Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Laponie, các loại lính đánh thuê và cả những tù nhân được ân xá. Những người lính ấy có kỷ luật rất cao, lại vô cùng sùng đạo. Họ đánh tan tác quân thù đông gấp bội ở trận Breitenfeld (gần Leipzig, Đức hiện tại), thừa thắng ruổi dài tấn công nước Áo - "trái tim" của Hoàng gia Habsburg, chính thức áp đặt uy quyền của đế quốc Thụy Điển lên Thánh chế La Mã, rồi đánh xuống tận Nuremberg và Bayern, chiếm Frankfurt và Mainz.

Hoàng đế Habsburg Ferdinand II buộc phải mời lão tướng danh tiếng Albrecht von Wallenstein đã "nghỉ hưu" trở lại làm Tổng tư lệnh quân đội đế quốc, với hy vọng ngăn được cơn sóng thần Thụy Điển.

Cái chết của con mãnh sư

Đến lúc ấy, năm 1632, những chiến công nối tiếp chiến công của Gustav Adolf khiến cả châu Âu chấn động, và chính Richelieu cùng nước Pháp cũng kinh hãi. Gustav Adolf không giấu diếm tham vọng của mình: Thống nhất hai chi phái Protestant (Calvin và Lutheran), rồi lên ngôi hoàng đế trị vì một đế quốc Thụy Điển trải dài từ Bắc Âu xuống tận Trung Âu, xóa sổ Thánh chế La Mã.

Điều đó, rõ ràng, tạo thêm cho nước Pháp một "đại địch" mới trên lục địa, bên cạnh đế chế Habsburg cũng như nước Anh bên kia eo biển Manche (vốn luôn tìm mọi cách tác động để châu Âu lục địa không thể thống nhất dưới một quyền lực duy nhất). Do đó, nước Pháp bắt đầu "làm khó dễ" trong việc tài trợ chiến phí cho quân Thụy Điển, còn những kẻ thù của Gustav Adolf thì liên kết với nhau chặt chẽ hơn.

Viên đạn định mệnh trong trận Lutzen.

Viên đạn định mệnh trong trận Lutzen.

Điểm cuối của đời cầm quân huy hoàng khép lại với Gustav Adolf tại trận Lutzel - nơi ông và Von Wallenstein "đối trận" ngày 6-11-1632. Trong sương mù dày đặc, 76.000 quân Thụy Điển kiên cường xung sát bất phân thắng bại với 172.000 quân của Liên đoàn Thiên Chúa giáo. Vô cùng tự tin và khinh suất, Gustav Adolf đích thân dẫn kỵ binh xung phong phá trận. Không may, một viên đạn lạc đã khiến ông tử thương ngay trước trận tiền.

Song, điều đáng king ngạc là đây: Mất chủ tướng, nhưng quân Thụy Điển lại không "vỡ trận". Họ hô vang "Trả thù cho hoàng thượng", và khí thế của họ còn trở nên mãnh liệt gấp nhiều lần, khiến Von Wallenstein phải hạ lệnh rút quân. Kết cục này là một bằng chứng hiển nhiên về tài cầm quân vô song của Gustav.

Vào thời điểm ấy, Thụy Điển đã chinh phục được khoảng một nửa số tiểu quốc thành viên của Thánh chế La Mã. Điều này, xét cho cùng, cũng tạo nên những thách thức không nhỏ về nhiều mặt mà có lẽ Gustav Adolf cũng chưa nghĩ tới, hoặc chưa cách nào xử lý. Đơn cử, nông dân Đức không đứng về phía họ, vì dù sao quân Thụy Điển cũng vẫn là những kẻ xâm lược và mang đến chiến tranh - chết chóc - tàn phá. Gustav lại có một đồng minh có quá nhiều toan tính là Pháp, và lại phải căng sức chiến đấu với kẻ địch từ cả bốn phía. Chiến tuyến trải quá dài khiến cả đường tiếp vận lẫn sự liên kết giữa các cánh quân đều dễ dàng gặp trắc trở.

Nhưng dù sao, kể cả khi Gustav Adolf tử thương lúc mới 38 tuổi cũng như kể cả chuyện những người kế nghiệp ông đều không xứng tầm, uy quyền mà ông xây dựng vẫn đứng vững. Giai đoạn cuối của Chiến tranh Ba mươi năm vẫn được gọi là Giai đoạn Thụy Điển - Pháp. Mối quan hệ đồng minh ấy, cộng thêm sức chiến đấu của Hà Lan, tạo nên chiến thắng sau cùng. Thụy Điển vẫn là bá chủ vùng Scandinavia - Baltic, đồng thời được xem là ngọn cờ bảo vệ giáo dân Tin Lành.

Những ánh hào quang chỉ phai nhòa rất lâu sau đó, cuối thế kỷ XVII. Cho đến khi một bậc quân vương phi thường khác lại xuất hiện: Karl XII.

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/vi-sao-gustav-dai-de-that-bai--i656787/