Vì sao hàng chục người lao động bị nợ lương khi sang Malaysia làm việc vẫn chưa được giải quyết?

Báo CAND vừa nhận được đơn của hàng chục lao động phản ánh việc họ bị Tổng Công ty tư vấn thiết kế Dầu khí - CTCP (viết tắt là PV Engineering; trụ sở đặt tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) nợ lương mỗi người vài tháng trong thời gian sang Malaysia làm việc cách đây hơn 5 năm.

Đáng nói hơn, ngoài nợ lương, người lao động còn bị nợ tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đóng cho Chính phủ Malaysia nên đã gặp khó khăn trong việc xuất cảnh đi làm việc, học tập, du lịch… ở các nước.

Trong đơn, ông Phạm Tân Khoa, đại diện cho 72 người lao động cho biết: Ông và các đồng nghiệp đều là cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ký hợp đồng lao động trực tiếp với PV Engineering và được PV Engineering điều động sang Malaysia làm việc tại dự án nhà máy lọc dầu Rapid ở Pengerang, Johor, Malaysia từ năm 2016-2019. Khoảng tháng 8/2018, Ban lãnh đạo PV Engineering thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn nên PV Engineering chậm trả lương cho người lao động và mong được chia sẻ. Đồng cảm, người lao động đã cố gắng làm việc để hoàn thành dự án rồi trở về Việt Nam trong khoảng thời gian tháng 3 đến tháng 4/2019. Tuy nhiên, sau khi về nước, PV Engineering thanh toán nhỏ giọt một phần lương rồi sau đó không trả nữa.

Ngày 18/6/2019, PV Engineering ban hành thông báo nội bộ cam kết sẽ thanh toán 100% lương cho CBCNV trước ngày 31/10/2019 được chia làm 4 đợt, nhưng cuối cùng cũng chỉ có vài người được trả lương. Đúng 9 tháng kể từ thông báo lần đầu, PV Engineering lại ra thông báo sẽ trả đủ lương cho người lao động chậm nhất đến ngày 30/6/2020 rồi lại tiếp tục thất hứa.

Hình ảnh người lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc tại dự án Rapid.

Hình ảnh người lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc tại dự án Rapid.

Người lao động khiếu nại, ngày 6/1/2022, PV Engineering lại ra thông báo cho biết, do đến thời điểm hiện tại việc chuyển nhượng phần vốn góp tại tòa nhà PVGas chưa hoàn thành theo kế hoạch nên chưa có tiền để trả cho người lao động. Dù vậy, Ban lãnh đạo PV Engineering sẽ tiếp tục thu xếp các nguồn tài chính để thanh toán khoản nợ lương còn lại cho người lao động tại dự án Rapid, dự kiến đến tháng 9/2022 sẽ hoàn thành. Thế nhưng sau khi đã chuyển nhượng xong phần vốn góp tòa nhà PVGas thì những người lao động nói trên cũng không được giải quyết lương, thuế TNCN, bảo hiểm y tế. Theo những người phản ánh thống kê, tổng số 72 người nói trên hiện bị nợ lương, thuế TNCN và bảo hiểm xã hội (BHXH) gần 8 tỷ đồng.

Hậu quả của vụ việc dẫn đến một số người lao động sau khi nghỉ việc tại PV Engineering không sang được Malaysia công tác hoặc du lịch vì bị từ chối nhập cảnh với lý do chưa đóng thuế TNCN cho Chính phủ Malaysia trong thời gian làm việc tại dự án Rapid. Có trường hợp được nhập cảnh vào Malaysia nhưng khi xuất cảnh bị tạm giữ và yêu cầu người này phải đóng thuế mới cho xuất cảnh. Một trường hợp khác là bà T.T.T.H, tháng 3/2024, xin visa đi Đài Loan có công việc riêng nhưng đã bị từ chối. Bà đi tìm hiểu thì mới hay do mình còn bị nợ thuế thu nhập cá nhân 20,924.25RM (tiền Malyasia tương đương hơn 110 triệu đồng) trong thời gian làm việc tại dự án Rapid.

“Ngoài vấn đề trên, tôi còn gặp rắc rối với BHXH. Khi tôi đi rút BHXH một lần thì phía BHXH cho biết tôi chưa được chốt sổ tại PV Engineering từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019 nên không thể rút BHXH được”. - Ông Phạm Tấn Khoa bức xúc cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Ngô Ngọc Thường, Tổng Giám đốc PV Engineering cho biết, ông cũng rất đồng cảm và chia sẻ với người lao động tại dự án Rapid. Tuy nhiên, ông cho biết trong vụ việc này PV Engineering cũng gặp rắc rối nên chưa thể giải quyết trả lương, đóng thuế TNCN cho người lao động. Theo ông Thường, đúng là người lao động ký hợp đồng với PV Engineering để sang Malaysia làm việc. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện dự án lại là công ty con của PV Engineering tại Malaysia là Công ty TNHH MTV PVE Malaysia. Cho nên, khi sang Malaysia người lao động buộc phải ký hợp đồng lại với PVE Malaysia và công ty này có trách nhiệm trả lương, đóng thuế thu nhập cho người lao động tại Malaysia. Tuy nhiên, do PVE Malaysia bị khó khăn về tài chính nên đã nợ lương, thuế của người lao động. Đến cuối năm 2019, tòa án ở Malaysia tuyên bố phá sản đối với Công ty VPE Malaysia. Theo quy trình xử lý thì PVE Malaysia phải thu tất cả các khoản nợ của khách hàng, đối tác sau đó tiến hành chi trả những phần công ty nợ, trong đó ưu tiên trả lương, thuế thu nhập của người lao động tại dự án Rapid nên những người lao động chắc chắn sẽ không bị mất tiền lương nhưng cũng phải chờ 1,2 năm nữa mới có thể được nhận.

“Thấy anh em lao động đến Tổng Công ty đòi tiền lương, tôi rất thương và chia sẻ nhưng không biết phải làm sao, trả bằng cách nào, trả kiểu gì vì phải giải quyết theo trình tự. Tổng Công ty không phải lầy lội không chịu trả mà chẳng biết phải trả ra làm sao mà buộc phải chờ giải quyết xong vụ phá sản của Công ty PVE Malaysia”- ông Thường cho biết.

Vậy thì trách nhiệm của PV Engineering ở đâu? Bởi vì người lao động ký hợp đồng trực tiếp với PV Engineering nên họ mới an tâm sang tận Malaysia để công tác, tại sao PV Engineering có thể phủi bỏ trách nhiệm được? Ông Thường cho rằng, để giải quyết sớm vấn đề này thì Hội đồng quản trị của Tổng Công ty phải họp bàn và ra nghị quyết đồng ý cho công ty mẹ tạm ứng tiền cho công ty con ở Malaysia để trả cho người lao động trước. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị của Tổng Công ty sợ rủi ro không thu được khoản nợ này nên chưa chấp nhận phương án đó.

“Mẹ” cùng “con” hợp tác làm dự án, cùng đưa người lao động sang Malaysia làm việc. Nếu làm việc thuận lợi, lãi cao thì “mẹ con” cùng hưởng. Giờ làm ăn thất bại, “mẹ” đổ hết cho “con”, không thanh toán những đồng tiền mà người lao động phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Thử hỏi liệu sau này có người lao động nào còn dám theo chân PV Engineering sang nước ngoài làm việc?

Mã Hải

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/vi-sao-hang-chuc-nguoi-lao-dong-bi-no-luong-khi-sang-malaysia-lam-viec-van-chua-duoc-giai-quyet--i734884/