Vì sao hiệu quả xử lý hàng hóa tồn đọng ở cảng biển TP. Hồ Chí Minh chưa cao?
Nghị định 169/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ tại cảng biển Việt Nam. Hiện có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện nên việc xử lý hàng tồn đọng bị lưu giữ chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp.
Vô vàn lý do khiến hàng hóa tồn đọng ở cảng biển
Ghi nhận tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp giữa Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với các hãng tàu và đại lý tàu biển cho thấy, có khá nhiều nguyên nhân khiến cho lượng hàng hóa tồn đọng cảng ngày càng nhiều. Nguyên nhân đầu tiên liên quan đến quy trình xử lý hàng hóa không có người nhận.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan hải quan dù đã rất tích cực trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng, nhưng do quy trình xử lý liên quan đến nhiều đơn vị khác. Trong khi đó, quy trình xử lý để bán đấu giá phải qua nhiều khâu nên rất mất thời gian. Thậm chí có những lô hàng qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được người mua, phải làm thủ tục hạ giá bán... khiến thời gian xử lý càng kéo dài.
Nguyên nhân tiếp theo là do cách hiểu của doanh nghiệp (DN) đối với việc tiêu hủy hàng thực phẩm. Nhiều DN cho rằng phải đợi hàng hết hạn sử dụng mới được tiêu hủy. Nhưng theo giải đáp của ông Nghiệp tại buổi đối thoại, hiểu như vậy chưa đúng, bởi không có quy định phải chờ thực phẩm hết hạn sử dụng mới được tiêu hủy. Nếu hãng tàu đề nghị tiêu hủy thì thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định và phải chịu chi phí tiêu hủy.
Tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển TP. Hồ Chí Minh đã khiến cho một số hãng tàu không thể thu hồi nhanh vỏ container. Hiện tại, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh phương án xử lý để sớm tháo gỡ vướng mắc này cho các hãng tàu.
Nguyên nhân tiếp nữa gây nên tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển là do người vận chuyển yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa. Hãng tàu tìm mọi cách nhưng không thể liên lạc với người nhận hàng để lấy công văn từ chối nhận hàng.
Trường hợp này, theo hướng dẫn của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, việc từ chối nhận hàng thực hiện theo quy định tại Điều 95, 96 Thông tư 38/2015/BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Nếu chủ hàng không thực hiện từ chối hàng, cơ quan hải quan xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 58, Luật Hải quan và Thông tư 203/2014/TT-BTC. Nếu người gửi hàng đề nghị xuất trả thì thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Trường hợp nếu người gửi hàng đề nghị tiêu hủy thì thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định và phải chịu chi phí tiêu hủy.
Cơ quan hải quan và các hãng tàu cùng hợp lực xử lý hàng tồn đọng
Cơ quan hải quan hiện đang gặp khó trong việc tìm kho bãi lưu giữ tang vật, đặc biệt các lô hàng tồn đọng có số lượng lớn. Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, hiện nay hàng tồn đọng tại các cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được đơn vị phối hợp xử lý định kỳ. Đối với hàng quá 90 ngày nhập khẩu về cảng, cơ quan hải quan sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu.
Cụ thể, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu, nếu chủ hàng hóa, người vận chuyển đến nhận hàng sẽ được giải quyết làm thủ tục hải quan và bị phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, phải chịu các chi phí phát sinh do việc chậm nhận hàng. Nếu quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo mà các tổ chức, cá nhân không đến làm thủ tục hải quan nhận hàng, cơ quan hải quan sẽ xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.
Để xử lý hàng hóa tồn đọng các hãng tàu, ông Nghiệp cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan hải quan, đại lý hãng tàu cũng cần lưu ý nghiên cứu và thực hiện theo quy định tại Nghị định 169/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định việc lưu giữ và thực hiện giám định, xác định giá trị hàng hóa để bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.
“Trong nhiều năm qua, các hãng tàu ít quan tâm áp dụng Nghị định 169/2016/NĐ-CP nên việc xử lý hàng tồn đọng do các doanh nghiệp vận chuyển chưa hiệu quả, vừa tạo áp lực cho cơ quan quản lý, vừa gây khó cho các doanh nghiệp trong việc phải lưu container trong thời gian dài. Nếu các hãng tàu thực hiện tốt quy định này, cơ quan hải quan sẽ giảm áp lực về xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển’’ - ông Nghiệp nói.
Tái xuất hàng hóa như thế nào?
Theo hướng dẫn của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, việc xuất trả hàng hóa hoặc xuất đi nước thứ ba được thực hiện theo Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ.
Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục nhập khẩu hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận), hoặc hàng hóa buộc tái xuất theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì chi cục trưởng chi cục hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập.