Vì sao khó xử lý buôn lậu thuốc lá mới?

Dù Nghị quyết 173/2024/QH15 cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã ban hành được hơn 3 tháng, nhưng tình trạng sử dụng vẫn tràn lan thông qua kênh mua bán lậu. Nhu cầu sử dụng bất chấp lệnh cấm và bùng nổ công nghệ khiến cho việc giảm tỷ lệ buôn lậu thuốc lá mới ngày càng khó khăn.

Thêm vào đó, thiếu sự phân biệt thuốc lá nung nóng (TLNN) và thuốc lá điện tử (TLĐT), các văn bản hướng dẫn trong luật, đặc biệt với những sản phẩm thuốc lá mới như TLNN không có dung dịch, chỉ có thuốc lá như thuốc lá điếu, đang làm các cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý vi phạm.

Hàng loạt thách thức

Tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: nhiều thách thức đặt ra” do báo Tiền Phong tổ chức vào ngày 2/4 vừa qua, Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.Hà Nội đưa 3 nguyên nhân dẫn đến vấn đề kiểm soát buôn lậu thuốc lá nói chung, thuốc lá mới nói riêng ngày càng khó khăn. Một là lợi nhuận buôn lậu thuốc lá mang lại quá lớn. Hai là sự dịch chuyển thói quen tiêu dùng, khi nhu cầu sử dụng hàng nhập lậu của người dân vẫn còn cao. Ba là đặc điểm địa lý Việt Nam như đường biên giới trên biển, đường biên dài giáp 3 nước gây thách thức cho kiểm soát buôn lậu.

 Trung tá Nguyễn Minh Tiến

Trung tá Nguyễn Minh Tiến

Ông Phan Quốc Đông - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan, cho rằng do người dùng có xu hướng thích tiếp cận cái mới. Các sản phẩm này có tính đa dạng, dễ sử dụng và tiện dụng nhờ ứng dụng công nghệ, linh kiện hỗ trợ linh hoạt, có thể đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực tế trước khi có lệnh cấm, không ít người dùng khi được phỏng vấn cho biết lệnh cấm chỉ làm họ khó tiếp cận, chứ không làm giảm nhu cầu thực tiễn. Anh H.D. (38 tuổi, Hà Nội) cũng là người dùng sản phẩm thuốc lá mới cho biết: “Với thị trường hiện nay thì cấm hay không cấm cũng như nhau, vẫn có nguồn mua sản phẩm xách tay từ các nước chuyển về”.

Điều này cũng được chứng minh tại hội thảo, khi đại diện các cơ quan bộ ngành đều nhấn mạnh yếu tố quan trọng gây cản trở thành quả của việc phòng chống buôn lậu là ở nhu cầu tiêu dùng, khi trong nước cấm nhưng hàng chục quốc gia khác lại cho phép. Khách du lịch nước ngoài mang theo sử dụng khi vào Việt Nam. Ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Mặc dù đã có Nghị quyết cấm thuốc lá mới của Quốc hội, nhưng vấn đề là người tiêu dùng vẫn còn nhu cầu sử dụng trên thị trường, nên ngay cả cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực thi.

Về phía đại diện ngành, ông Nguyễn Chí Nhân – Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận định, thuốc lá mới đang là xu thế trên toàn cầu khi đã có nhiều nước phát triển như Anh, Nhật, Mỹ… cho phép lưu hành những sản phẩm này, thậm chí khẳng định chứng minh tiềm năng giảm tác hại so với thuốc lá truyền thống.

Do vậy, mặc dù các cơ quan y tế trong nước thường xuyên cảnh báo tác hại, nhưng sau cùng người dùng vẫn tìm đến nguồn hàng chợ đen. Tại tọa đàm TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh tầm quan trọng đến việc xem xém độ co giãn do nhu cầu người dùng, khi mọi thứ hiện đang được đặt trong một thế giới phẳng, ngôn ngữ không còn là rào cản.

“Hiện chúng ta vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về nhu cầu của người dùng. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam có thể phối hợp cùng Bộ Công Thương thực hiện khảo sát cụ thể và đánh giá toàn diện về việc này. Nếu chỉ xử lý vi phạm đơn lẻ thì chưa đủ để đưa ra giải pháp hiệu quả”, TS. Việt đề xuất.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thực thi pháp luật hiệu quả

Chia sẻ tại tọa đàm, bổ sung cho vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp lý trong nước để phòng chống buôn lậu thuốc lá mới hiệu quả, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: Hiện Luật Phòng, chống buôn lậu thuốc lá tập trung chủ yếu vào thuốc lá truyền thống, trong khi thuốc lá mới vẫn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Hiện Nghị quyết cấm của Quốc hội cũng chỉ nêu quyết định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT từ 1/1/2025, nên “nếu chỉ dừng lại Nghị quyết này thì các cơ quan thực thi sẽ cực kỳ khó khăn trong việc thi hành”, ông Hải nêu quan điểm.

 Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp

Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp

Theo đó, ông Hải đặc biệt nhấn mạnh cần phải làm rõ được khái niệm của các nhóm sản phẩm này, phân biệt điểm giống - khác nhau giữa TLĐT và TLNN để tránh gây nhập nhằng, bởi theo các văn bản quốc tế TLNN không phải là TLĐT. Cụ thể, TLNN là loại thuốc lá được sản xuất dưới dạng bao, có điếu thuốc lá, được nung nóng bằng thiết bị điện tử để hóa hơi và hút thay vì đốt cháy điếu thuốc như thuốc lá điếu. Trong khi đó, TLĐT thì sử dụng dung dịch được đưa vào trong thiết bị để hóa hơi và hút.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã có quan điểm chính thức tại Báo cáo thẩm định số 68/BCTĐ-BTP, đề nghị bổ sung định nghĩa TLĐT và TLNN vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 67/2013, nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc này nhằm tránh sự đánh đồng trong việc nhìn nhận về mức độ tác hại của hai loại sản phẩm, gây khó khăn trong quá trình xây dựng các biện pháp phòng, chống tác hại.

Chẳng hạn, năm 2019-2020 CDC có đề cập đến một số ca bệnh hoặc tử vong do sử dụng TLĐT chứa tinh dầu cần sa tại Hoa Kỳ, nhưng không có trường hợp nào có liên quan đến việc sử dụng TLLN. Tại Việt Nam và trên thế giới cũng chưa ghi nhận trường hợp nào của sản phẩm TLNN có chứa chất cấm trá hình, bởi bản chất của loại TLNN nguyên bản là chỉ chứa nguyên liệu thuốc lá khô, không có dung dịch để pha trộn.

P.V

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/vi-sao-kho-xu-ly-buon-lau-thuoc-la-moi-post1735672.tpo