Vì sao không đổi được bằng lái xe hạng B1, B2 sang hạng C trên Cổng dịch vụ công?
Nhiều tài xế phản ánh về việc, khi làm thủ tục đổi bằng lái xe hạng B1, B2 trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì chỉ đổi được sang bằng hạng B, gây thiệt thòi cho người lái.
Theo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2025 giấy phép lái xe tăng lên 15 hạng gồm: A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE (quy định cũ gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE).
Đáng chú ý, hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 cũ mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh; hạng B1, B2 cũ đổi sang hạng B. Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc về việc, khi làm thủ tục đổi bằng lái xe hạng B1, B2 sang B theo quy định hiện hành thì sẽ bị thiệt thòi. Đặc biệt, nếu làm thủ tục đổi bằng lái xe trực tuyến thì hệ thống chỉ có thể đổi sang bằng B, không thể đổi sang bằng C1.
Về việc này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định 15 hạng GPLX, trong đó gộp bằng lái ô tô B1 và B2 thành B. Lái xe đang sở hữu bằng B1, B2 (cũ) có thể đổi sang bằng B hoặc C1 (mới).

Người sở hữu bằng lái xe hạng B1, B2 (cũ) muốn đổi sang hạng C1 (mới) phải đến làm thủ tục trực tiếp
Trong đó, GPLX hạng B2 cho phép tài xế lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn.
Còn GPLX lái hạng B vẫn được lái ô tô chở người đến 9 chỗ (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn.
Để tránh điểm hạn chế này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã cho phép tài xế cấp đổi GPLX hạng B1, B2 sang hạng B hoặc C1. Theo đó, GPLX hạng C1 được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.
Do vậy, việc đổi GPLX từ B2 sang B có thể khiến các tài xế lái xe chở hàng phải giảm khối lượng hàng hóa chuyên chở hoặc phải đổi sang loại xe tải nhỏ hơn.
Trong khi đó, GPLX hạng C1 lại cho tài xế nhiều quyền lợi hơn, bao gồm việc được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.
Do vậy, nếu là tài xế lái xe tải, người dùng nên đổi từ bằng B1, B2 (cũ) sang bằng C1 (mới), thay vì đổi sang bằng B để tối đa quyền hạn và lái được nhiều loại xe hơn.
Tuy nhiên, theo Lương Duyên Thống, hiện tại cổng dịch vụ công quốc gia chưa hỗ trợ đổi từ GPLX B1, B2 sang C1. Phần mềm đổi GPLX trực tuyến chỉ cài đặt chế độ mặc định một lựa chọn, chưa đáp ứng được nhiều lựa chọn cùng một lúc, có nghĩa là chỉ đổi được GPLX hạng B2 sang hạng B.
Do vậy, với những ai có nhu cầu đổi từ GPLX cũ sang bằng C1 mới phải đến nộp hồ sơ và làm thủ tục trực tiếp tại các cơ sở cấp đổi. Thủ tục đổi sang GPLX hạng C1 bao gồm đơn đề nghị đổi GPLX, giấy khám sức khỏe, CCCD bản phô tô và bằng lái xe bản gốc để cán bộ đối chiếu khi làm thủ tục.