Vì sao lao động được tạo việc làm tại Hà Nội giảm?

5 tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm mới cho 85.784 lao động, đạt 52,9% kế hoạch giao trong năm, giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong số gần 85.784 lao động được tạo việc làm trong 5 tháng qua, có 21.845 lao động được giải quyết việc làm từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 1.071 tỷ đồng.

Đã có 1.910 người lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và vùng lãnh thổ theo hợp đồng tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; tự tạo việc làm và qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố là 55.221 lao động.

Hà Nội triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm kết nối tạo việc làm cho người lao động

Hà Nội triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm kết nối tạo việc làm cho người lao động

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 98 phiên giao dịch việc làm với 2.847 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, đơn vị là 49.523 người, đã có 20.074 người lao động được phỏng vấn và 6.808 người lao động được tuyển dụng tại phiên.

Nêu nguyên nhân lao động được tạo việc làm tại Hà Nội giảm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, là do sự tác động từ chiến sự giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thắt chặt giải ngân, lãi suất tăng, do vậy trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới.

Mặt khác, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, công tác giải quyết việc làm những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm khi đơn hàng xuất khẩu chậm lại, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ...

Dự báo, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…, khiến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng.

Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh, việc cắt giảm nhân công cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay, dẫn đến giảm việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023.

Không chỉ Hà Nội, tình trạng cắt giảm lao động sẽ diễn ra tại nhiều địa phương do hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp cho thấy, trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô.

Trước tình trạng thiếu đơn hàng đang ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, cần nhanh chóng có các chính sách hỗ trợ người lao động như: Gia hạn các chính sách để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động như một gói hỗ trợ của Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cùng với đó cần giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực; đồng thời báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.

5 tháng 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 30.374 trường hợp với số tiền 855 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 29.818 người; hỗ trợ học nghề cho 487 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 2,1 tỷ đồng. Đồng thời, đã thẩm duyệt, chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam cho 2.453 lượt doanh nghiệp với 3.663 vị trí; cấp mới 2.842 giấy phép; cấp lại 386 giấy phép; gia hạn 631 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xác nhận 153 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-lao-dong-duoc-tao-viec-lam-tai-ha-noi-giam-256125.html